Rủi ro nợ xấu vẫn thuộc về các ngân hàng
Đó là nhận định của Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) về tình hình nợ xấu trong báo cáo gần đây.
Theo BSC, tỷ lệ nợ xấu đã có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2012 tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là 4,08%, năm 2013 giảm còn 3,61% và đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu là 3,25%.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm mạnh vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm chủ yếu do tăng trưởng tín dụng cao và các ngân hàng bán nợ cho VAMC.
Đánh giá về tỷ lệ nợ xấu 2015, BSC cho rằng nợ xấu sẽ tăng trong 3 quý đầu năm và giảm trong quý cuối năm.
Trong 3 quý đầu năm, nợ xấu tăng do yêu cầu về phân loại nợ chặt hơn theo thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN. Theo đó, các TCTD phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo theo nhóm nợ được CIC cung cấp; Phải kết hợp phân loại nợ theo cả 2 phương pháp định tính và định lượng; và kể từ ngày 1/4/2015, hết hiệu lực quy định “cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ” (Quyết định 780 - PV).
Trong quý cuối năm, các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ cho VAMC và tín dụng tăng trưởng nhanh sẽ giúp nợ xấu giảm bớt.
Nhận xét về hoạt động của VAMC, BSC cho rằng, cơ chế bán nợ cho VAMC được thúc đẩy trên cả 2 phương diện là cung nợ xấu và cầu nợ xấu. Song với cơ chế hoạt động hiện tại, VAMC chưa thực sự giải quyết được nợ xấu, đóng vai trò như một kho cất giữ nợ xấu, làm sạch bảng cân đối của các NHTM, rủi ro nợ xấu vẫn thuộc về các NHTM. Do đó, để đánh giá đúng và đủ về rủi ro nợ xấu, số dư và tỷ lệ nợ xấu phải được đánh giá dựa trên số dư nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các NHTM và số dư bán nợ cho VAMC chưa xử lý được.
Nhìn chung, BSC cho rằng, tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 3% vẫn có thể đạt được vào cuối năm 2015.
End of content
Không có tin nào tiếp theo