Môi trường

Rừng dẻ sẽ thành sân golf?

Rừng dẻ cát phòng hộ bạt ngàn độc nhất vô nhị TT- Huế, với lịch sử tồn tại cả nghìn năm, sắp bị xóa sổ để nhường chỗ cho đại dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp...

Ông Nguyễn Kim Sinh, cán bộ địa chính xã Lộc Vĩnh cho biết, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô (giai đoạn 1) khởi công giữa năm 2008, rộng hơn 8,4 ha đất đồi cát và rừng cây ven biển.

 

Khi khởi công dự án, Cty CP Đầu tư Phát triển (CPĐTPT) Phong Phú Lăng Cô ấn định thời gian đưa vào khai thác là đầu năm 2010. Tuy nhiên, sau 3 năm động thổ, dự án hoàn toàn bất động giữa vùng cát trắng, rừng hoang.

 

Mặc dù tổ hợp resort, phố ẩm thực hải sản, công viên tượng đài vẫn còn trên giấy, đến tháng 8-2011, tỉnh TT- Huế lại công bố giao thêm gần 300 ha đất cho Cty CPĐTPT Phong Phú Lăng Cô để tiếp tục thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng - sân golf Lăng Cô.

 

Điều đáng nói, đây là đại dự án sân golf thứ hai được phép đầu tư chỉ nằm trên xã Lộc Vĩnh. Phần lớn diện tích xây sân golf Lăng Cô là đất nông nghiệp, đất ở, đồi núi, đất rừng dẻ phòng hộ tự nhiên ven biển thuộc thôn Phú Hải 2.

 

Ông Hắc Xuân Thy, phụ trách Mặt trận thôn Phú Hải 2, nói: “Dân làng thấp thỏm lo lắng, không biết rồi sẽ đi đâu, làm gì để sống khi mất hết đất sản xuất và dời đến chỗ khác, dành đất cho dự án. Sân golf ra đời, khu rừng dẻ phòng hộ lớn nhất tỉnh tồn tại qua cả nghìn năm cũng không còn”.

 

Ông Nguyễn Kim Sinh, cán bộ địa chính xã, nhận xét: “Trong thời buổi hiện nay, xét khía cạnh kinh tế, duy trì rừng dẻ là không thu được lợi lộc gì. Do vậy, giao rừng cho nhà đầu tư làm sân golf là hợp lý”.

Nhiều người dân Lộc Vĩnh lại khẳng định, xóa sổ rừng dẻ để làm sân golf chỉ thu được lợi trước mắt, mà không lường được những hậu quả lâu dài về môi trường.

 

Ông Hắc Xuân Thy dẫn chứng: “Mấy năm trước, một loạt dự án du lịch triển khai ven biển Lộc Vĩnh - Lăng Cô từng cạo sạch cây rừng tự nhiên, san phẳng đồi cát chứa nguồn nước ngọt dồi dào để xây biệt thự, trồng mới những vườn điều, vườn xoài, cây cảnh hoành tráng.

 

Tuy nhiên, hậu quả hiển hiện ngay tức thì. Cát bay cát nhảy, nhiễm mặn, cây cối trồng mới đều chết rụi cứ sau mỗi mùa biển nổi gió chướng...? Lâu nay, chỉ có cây dẻ hoang tái sinh bền bỉ trên cát nóng”.

 

Sau khi bị bom đạn tàn phá, bị chặt làm củi đốt và lấy đất sản xuất, năm 2002, khu rừng dẻ tái sinh rộng 250 ha được chính quyền, cơ quan kiểm lâm giao về cộng đồng thôn Phú Hải 2 quản lý. Rừng cộng đồng được tôn tạo, bảo vệ nghiêm ngặt vì mục đích môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

 

“Bão Xangshane năm 2006, các thôn khác tại Lộc Vĩnh, Lăng Cô, Lộc Tiến, Vinh Hiền bị tàn phá tan hoang. Nhưng ở Phú Hải 2, nhờ rừng dẻ dày đặc che chắn, chỉ có vài nhà dân hư hỏng nhẹ”, ông Vinh cho biết.

 

Ông Nguyễn Kim Sinh, CB địa chính xã, cũng thừa nhận: “Xét về môi trường, rừng dẻ là tài sản vô giá của dân làng. Ngặt nỗi, chính quyền xã muốn can thiệp để bảo tồn rừng dẻ phòng hộ khỏi bị xóa sổ cũng không thể, do toàn bộ đất đai trong vùng giờ thuộc quyền quản lý của Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô”.

 

Theo Tiền Phong

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo