Rừng quý sắp mất vì… quặng tặc
“Nguy cơ mất rừng Phia Oắc đã gần kề trước hiện tượng khai thác quặng thiếc quá mức như hiện nay”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam lo lắng.
“Bảo tàng” thiên nhiên quý
Trở về Hà Nội sau hơn một tuần tham gia cùng đoàn khảo sát thực địa khu vực được coi như Khu bảo tồn Phia Oắc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, GS Huỳnh tỏ ra sốt ruột hơn trước những phát hiện mới về sự đa dạng sinh học tại rừng Phia Oắc.
Ở độ cao 1.935m, núi Phia Oắc được mệnh danh là khu đa dạng sinh học với nhiều đặc trưng. Phia Oắc còn được đánh giá là hệ sinh thái rất đặc thù, phong phú hơn rất nhiều. Có rừng lùn và rừng rêu với độ che phủ của rừng gần như nguyên sinh. “Ở đây các cây bị rêu bao phủ 1-2cm. Nếu đứng dưới sẽ không thấy ánh sáng mặt trời lọt xuống. Cây cao nhất chỉ khoảng 15m. Do lạnh và gió nên cây chỉ có thể phát triển theo chiều ngang. Rêu nhiều là vì vùng rừng này độ ẩm lớn”, GS Huỳnh nói.
Không chỉ có như vậy, nhiều cây gỗ quý như cây nghiến, chò, chò núi đá và chò núi đất, cây thuốc cũng xuất hiện rất nhiều ở Phia Oắc. Theo khảo sát của Viện Quân y, đây là vùng có nhiều cây thuốc quý. Ví dụ cây 7 lá một hoa, là một cây đặc biệt quý có thể dùng để chữa bệnh cao huyết áp và thần kinh. Ngoài ra, còn có nhiều loại động vật quý như: hươu xạ, gấu ngựa, vượn đen, khỉ mặt đỏ, cày gấm, cày hương… Trước đó, khảo sát của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cũng đã phát hiện được tại Phia Oắc có tới 20 loài chuồn chuồn được ghi nhận là loài mới.
GS Huỳnh cho biết, kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy rằng, đã phát hiện được gần 30 loài động vật và 15 loài thực vật quý hiếm, đặc hữu trong Sách Đỏ. Các địa điểm lấy mẫu, lấy hình ảnh, thông tin đều được định vị, đưa lên bản đồ.
Nguy cơ mất rừng vì “quặng tặc”
Dù mang trong mình nhiều “tài sản” quý nhưng Phia Oắc gần như bị bỏ quên trong suốt thời gian qua. Dù năm 2006, được địa phương quy hoạch vào loại “rừng đặc dụng” nhưng Phia Oắc cũng chưa hề có quyết định và chưa có cơ chế hoạt động, bảo vệ kèm theo. Theo GS Huỳnh, mãi tới đầu tháng 2, tháng 3 vừa qua, tỉnh mới thành lập một ban quản lý với 5 người và vài thiết bị sơ bộ như máy tính, bàn ghế…
Khu rừng “vô chủ” nhưng lại có nhiều tài sản quý như gỗ, khoáng sản (quặng volfram, thiếc…) đã khiến không ít “quặng tặc” vào rừng để hoành hành. Nhiều nhóm khai thác ở khắp nơi đến dựng lều trại, khai thác quặng, phá rừng.
Nhóm khảo sát phát hiện nhiều động, thực vật quý hiếm tại Phia Oắc. (Ảnh Ng. Hữu Thắng)
Cùng tham gia đoàn khảo sát TS Lê Trần Chấn, Trung tâm Địa môi trường và tổ chức lãnh thổ cũng bày tỏ sự lo ngại, tiếng nổ của mìn khi khai thác quặng khiến động vật ở đây sợ sẽ bỏ đi hết. Thêm nữa, việc đào bới, rút ruột quặng phía dưới hang cũng khiến cho rừng bị sụp xuống trong một ngày không xa.
Một thực tế cho thấy, từ khi mở đường lên xây dựng tháp truyền hình quốc gia ở trên đỉnh núi Phia Oắc, có đường ôtô, xe máy lên được, “quặng tặc: càng dễ dàng lên khai thác nhiều hơn.
GS Đặng Huy Huỳnh cho biết, ngay sau đây sẽ tập hợp các kết quả nghiên cứu, khảo sát để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nâng lên thành Vườn Quốc gia. “Nếu cứ để như hiện nay, Phia Oắc sẽ bị biến mất trong nay mai. Thảm họa sẽ là khôn lường nếu rừng đầu nguồn này bị phá nát. Bằng mọi cách phải bảo vệ rừng quý”, GS Huỳnh kiên quyết.
Theo ĐV
End of content
Không có tin nào tiếp theo