Rừng sinh thái Bản Đôn tiếp tục bị tàn phá
Trong khi chờ các cơ quan chức năng làm thủ tục thu hồi, hơn 1.300ha rừng sinh thái ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) do UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty Cao su Đắk Lắk quản lý, bảo vệ và kinh doanh du lịch tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng.
Nhận được tin báo của người dân, chiều 30/12/2014, PV Báo Tài nguyên & Môi trường online có mặt tại khu rừng sinh thái Bản Đôn.
Trước cổng chính của khu du lịch sinh thái chừng 100m, chúng tôi rẽ phải vào con đường đất rồi gửi xe tại nhà một người dân và bộ hành vào rừng.
Qua khu vực chăn thả bò tập trung của người dân địa phương chừng 500m, dễ thấy một bãi gỗ lớn gồm cả chục cây căm xe (nhóm II), cà chít (nhóm IV) bị chặt hạ. Tiếp tục đi theo hướng lên đồi Tâm Linh trong rừng sinh thái, khung cảnh tan hoang ngày càng biểu hiện rõ hơn.
Hàng chục cây gỗ quý có đường kính từ 0,4m - 1m lần lượt bị cưa hạ. Phần lớn các cây này đều được lâm tặc “cẩn thận” đo đạc, cưa xẻ ngay tại gốc thành các lóng gỗ tròn.
Theo người dẫn đường, tùy vào kích thước gỗ, khoảng cách, địa hình… lâm tặc sẽ sử dụng xe máy, xe cày độ chế và thuê voi kéo để đưa gỗ ra khỏi rừng. Khi gỗ đã tập kết ở bìa rừng, lâm tặc thường lợi dụng lúc chiều tối hoặc ban đêm để vận chuyển ra ngoài tiêu thụ hòng né tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Sau gần 3 tiếng lội rừng, chúng tôi đếm được hàng chục cây gỗ căm xe, cà chít, chiu liu (nhóm III) bị chặt hạ. Các vết cưa còn rất mới, hầu hết các gốc cây bị hạ chưa hề có bút lục của lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng.
Điều đáng nói là lâm tặc chủ yếu sử dụng các phương tiện cơ giới để cưa xẻ, vận chuyển gỗ. Trong khi có rất nhiều cây các cây gỗ bị hạ nằm sát con đường lát đá xanh (đường đi lớn để phục vụ du lịch, quản lý và bảo vệ rừng), thậm chí nằm sát nhiều khu nhà trong khu du lịch sinh thái, chẳng hiểu vì sao mà chủ rừng và các cơ quan chức năng lại không biết?.
Theo ông Y Thông Niê Kdăm - Chủ tịch UBND xã Krông Na, Công ty CP Thương mại và Du lịch sinh thái Bản Đôn (do Công ty Cao su Đắk Lắk cổ phần hóa) hiện chỉ còn một số nhân viên trong khu du lịch để bảo vệ tài sản trên đất của mình.
Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng thu hồi diện tích rừng của Công ty Cao su Đắk Lắk để giao cho đơn vị khác, các ngành chức năng của huyện Buôn Đôn đang phối hợp với lực lượng công an và dân quân tự vệ xã Krông Na tạm thời phục trách công tác quản lý, bảo vệ khu rừng này.
Theo Tài nguyên và Môi trường
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo