Lực lượng chức năng quản không xuể, người dân lại chẳng mặn mà với việc bảo vệ đã làm hàng chục ngàn hecta rừng già ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên bị khai thác cạn kiệt
Ngày 14/3, lực lượng kiểm lâm huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã phát hiện bắt giữ một vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại Tiểu khu 318 thuộc địa bàn xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh với khối lượng trên 5 m3, chủ yếu là gỗ chò (nhóm 3).
Trước đó, từ ngày 7 đến 13/3, tại Tiểu khu 317, 318 và V1.6 lực lượng chức năng của xã Sông Hinh cũng đã phát hiện và thu giữ hơn 24 m3 gỗ các loại từ nhóm một đến nhóm năm.
Những khu rừng… rỗng ruột
Với diện tích rừng lớn nhất tỉnh, hơn 20.700 ha rừng già của xã Sông Hinh chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng quốc phòng nằm giáp ranh giữa ba tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, Khánh Hòa. Trước đây, đường đi qua khu vực này trắc trở nên rừng ít bị phá.
Nhưng từ khi Nhà máy Thủy điện Sông Hinh được xây dựng, nước hồ thủy điện dâng đến những cánh rừng già, lòng hồ trở thành con đường vận chuyển gỗ lậu lý tưởng của lâm tặc. Đặc biệt, khi xẻ rừng mở ra trục đường miền Tây Phú Yên lên Đắk Lắk cũng là lúc rừng nơi đây bị phá đến cạn kiệt.
Cán bộ cũng phá rừng Theo ông Nguyễn Kim Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, gần 67.000 m2 đất rừng phòng hộ ở xã An Ninh Đông đã bị “xẻ thịt” để nuôi tôm. Trong số những người phá rừng có 3 cán bộ xã An Ninh Đông là Huỳnh Văn Trung, Trưởng Công an xã; Nguyễn Nhất Ngôn, cán bộ kế toán ngân sách; Nguyễn Mạnh, cán bộ thương binh - xã hội và ba đảng viên ở các thôn, còn có ông Nguyễn Tấn Sanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tuy An và ông Vũ Ngọc Khoa, Trưởng Phòng Tài chính huyện Tuy An. Ông Trần Mạnh Trí, Bí thư Huyện ủy Tuy An, cho biết Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo kiên quyết xử lý sớm và nghiêm đối với vụ việc này. Đặc biệt đối với các đối tượng vi phạm là cán bộ, đảng viên và người nhà của đảng viên. |
Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một thanh niên dẫn đường ở buôn Kít (xã Sông Hinh) với ngày công 300.000 đồng và một điều kiện: Không nêu tên, không chụp ảnh, “nếu không lâm tặc sẽ “thịt” em”.
Quả không sai như lời người dẫn đường, vừa ra khỏi buôn Kít đã nghe tiếng cưa gỗ gào rú khắp các cánh rừng như buôn Ba, buôn Kít, Tiểu khu 313, 314… Người dẫn đường nói: “Nghe vậy nhưng còn xa lắm, ở đây chẳng còn gỗ để lấy”.
Nhìn từ bên ngoài, những cánh rừng ở xã Sông Hinh xanh ngút ngàn nhưng đây chỉ là màu xanh giả tạo của những cây non mới mọc lên từ gốc những cây gỗ già bị đốn hạ. Bên trong những cánh rừng trên đã bị khai thác triệt để, rỗng ruột.
Rừng Sông Hinh trước đây nổi tiếng với loại gỗ gõ và sơn huyết (nhóm một), nhưng nay, nói như người dẫn đường, “bói mỏi mắt vẫn không tìm đâu ra những loại gỗ quý này”. Trong rừng già nhưng lại dọc ngang những con đường do lâm tặc tự mở để đưa gỗ ra bìa rừng.
Tiếp tục đi sâu vào rừng già, chúng tôi nghe ầm ào tiếng cây đổ ngã cùng với tiếng máy cưa đến nhức óc. Phần lớn những cây gỗ bị đốn ngã ở đây là gỗ chò với đường kính cả mét. Những cây gỗ quý, gỗ to ở đây đã bị lâm tặc lấy đi từ lâu.
Người dẫn đường cho biết: Sau khi cưa xẻ gỗ thành từng súc, đến chiều tối sẽ có người đưa trâu vào kéo gỗ ra bìa rừng hoặc bờ hồ thủy điện để tập trung và đợi đến khuya sẽ đưa lên xe hoặc thuyền để chở đi.
Khó giữ được rừng
Theo ông Trần Ngọc Thuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sông Hinh, chỉ trong tháng 2 /2012, lực lượng chức năng của xã đã bắt sáu vụ khai thác và vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng gần 12 m3, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
“Lực lượng bảo vệ rừng ở xã không có, khi cần huy động các ngành khác hỗ trợ lại chẳng có chế độ gì, trong khi diện tích rừng ở xã lại quá lớn nên nói thật, chẳng tuần tra, kiểm soát được” - ông Thuân thừa nhận.
Hiện tại xã Sông Hinh không có cán bộ lâm nghiệp chuyên trách nên việc kiểm tra rừng gần như khoán trắng cho dân, chỉ thành lập lực lượng thu giữ gỗ lậu khi có tin báo của dân phát hiện lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép. Lực lượng cũng tổng hợp từ công an, du kích xã, cán bộ địa chính, văn phòng… nên khi có tin báo, huy động đủ lực lượng thì lâm tặc đã chuyển gỗ đi từ lâu.
Trong khi đó, theo ông Thuân, hồ thủy điện Sông Hinh rộng, lâm tặc dùng thuyền lớn để vận chuyển, xã lại chẳng có phương tiện để đuổi bắt.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, rừng của xã Sông Hinh rất quan trọng bởi chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng quốc phòng. “Vì thế, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng của ngành tăng cường bảo vệ rừng ở đây nhưng hiện tại vẫn chưa thể ngăn chặn được tình trạng phá rừng” - ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, nói.
Theo ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Hinh, việc ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ lậu ở xã Sông Hinh gặp nhiều khó khăn còn bởi ý thức người dân đã không mặn mà với công tác bảo vệ rừng.
“Trước đây, từ năm 2001-2005, nhờ có nguồn vốn của ADB đầu tư cho việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trên diện tích một ha rừng, mỗi hộ được hỗ trợ 50.000 đồng/năm nên người dân tỏ ra tích cực. Đến cuối năm 2005, dự án kết thúc, người dân thấy chẳng được lợi gì nên không quan tâm đến công tác bảo vệ rừng”- ông Toại nói.
Hiện xã Sông Hinh đã giao khoán trên 2.400 ha rừng tự nhiên cho 219 hộ dân quản lý nhưng nói như ông Trần Ngọc Thuân: “Người dân tự phá, tiếp tay cho lâm tặc phá ngay trong chính khu rừng do mình quản lý”.
Theo NLĐ