Môi trường

Ruộng đồng bỏ hoang, ao hồ trơ đáy

Nhiều ao hồ, đầm ở mực nước chết, không ít diện tích đất nhiễm mặn, phèn không có nước ngọt tưới phải bỏ hoang hoặc phải chuyển sang loại cây trồng khác.

(Dân Trí) Chưa bao giờ Bình Định lại thiếu nước trầm trọng như năm nay, ngay trong vụ đông xuân vừa qua, do thời tiết biến đổi bất thường, lượng mưa ít nguồn nước ở các ao hồ cạn kiệt gây thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng. Vì vậy, tỉnh Bình Định đã phải chủ động cho người nông dân chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng chịu hạn nhằm bảo đảm nguồn nước tưới nhưng vẫn đảm bảo cho hiệu quả kinh tế. 

 
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, bước sang vụ hè thu đang cận kề thì tình trạng thiếu nước sản xuất lại càng nguy kịch hơn khi thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài. Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, trong vụ hè thu sắp tới có hơn 4.000 ha lúa bị thiếu nước. Trước tình hình này, các địa phương đang tính đến phương án thu hẹp sản xuất khoanh vùng lúa và hoa màu. Nhiều địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào những loài cây chịu hạn nhằm đảm bảo năng suất cho người dân.
 
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, do nắng hạn kéo dài, đến nay lượng mưa đạt khá thấp so với mức trung bình nhiều năm. Tổng dung tích nước dự trữ của 162 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chỉ có 255 triệu m3, đạt 45% so với thiết kế. Trong đó, lượng nước trong các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý hiện chỉ trữ được gần 32 triệu m3, đạt 27% so với thiết kế. Số hồ chứa dưới mực nước chết là 63 hồ, trong đó có 37 hồ đã cạn trơ đáy.
 
Theo ông Trần Văn Lý - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ - đến thời điểm này, hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện đã bắt đầu thiếu nước sinh hoạt; 45 ao hồ chứa nước trên địa bàn huyện hầu hết đã khô hoặc ở dưới mực nước chết. Địa phương đã đưa vào sử dụng hết công suất hơn 10.000 giếng khoan và giếng đào phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản…”

 
 

Mùa hè chưa tới mà nước giếng của người dân xã Nhơn Hải cạn nước
 
 
Hạn hán kéo dài cũng gây thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng cho hàng ngàn hộ dân các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn…
 
Ghi nhận tại xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), đến nay hàng trăm hộ dân sinh sống ở đây phải xách can nhựa đi cả cây số để mua nước máy về dùng. Còn nước sinh hoạt dùng tắm rửa phải dùng nước nhiễm mặn, nhiễm phèn không đảm bảo sạch.  
 
Ông Trương Ngọc Châu (55 tuổi, ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, Tuy Phước) cho biết, do thời tiết năm nay mưa ít thiếu nước ngọt tưới cho ruộng đồng nên một số diện tích trên đất nhiễm mặn không thể trồng lúa phải bỏ hoang. Còn nước sinh hoạt cũng bị cạn kiệt, nhà nào có giếng cũng bị nhiệm phèn, nhiễm mặn không thể sử dụng nên phải đi mua nước máy ở nơi khác về dùng.
 
Ngay tại xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), toàn xã có 3 thôn với trên 1.000 hộ dân khoảng hơn 6.000 nhân khẩu. Trong xã chỉ có 4 cái giếng đào nhưng cũng bị nhiễm mặn, phèn hoặc đã cạn kiệt. Vì vậy, người dân cũng đang phải chịu cảnh đi mua nước đóng bình để dùng.
 
Năm 2012, UBND TP Quy Nhơn, hỗ trợ hơn 190 triệu đồng để xã mua 6 bồn inox lắp đặt tại 3 thôn, mỗi bồn 5m3 nước, hỗ trợ người dân mua nước giá rẻ trong 3 tháng mùa hè. Tuy nhiên, đến nay qua 3 tháng hỗ trợ, bây giờ người dân phải quay lại cảnh “khát” nước dài dài khi mùa khô vẫn chưa đến.
 
Mua khô chưa tới, nhưng tình trạng hạn hán kéo dài sẽ khiến cho việc sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân tỉnh này gặp nhiều khó khăn.
 
 
 
Hồng Lĩnh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo