Xã hội

Rút máu học sinh, không lý do

Trước thông tin hàng trăm học sinh ở hai xã Châu Tiến và Châu Hồng (Quỳ Hợp - Nghệ An) bất ngờ bị rút máu, ngày 7.1, P.V Lao Động đã vượt 150km về xã Châu Hồng để tìm hiểu sự việc.

Trước hết phải khẳng định, các em học sinh người dân tộc thiểu số ở đây được làm xét nghiệm máu để xác định căn bệnh Thalasemie (tán huyết bẩm sinh), mỗi em được lấy từ 1 đến 2ml. Hoàn toàn không có việc một xilanh sử dụng cho 4 cháu, máu được đựng vào xô như đã có thông tin.

Nghiên cứu quan trọng

Ngày 24/12/2011, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 5697/QĐ.UBND giao cho Trường ĐH Y khoa Vinh thực hiện đề tài "Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh Thalasemie và một số yếu tố liên quan ở trẻ em dân tộc Thái và Mông ở Nghệ An". Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh - thì bệnh này rất nguy hiểm, gây nên thiếu máu do tán huyết bẩm sinh, bệnh mang tính chất di truyền và nguy hơn nữa là làm suy thoái giống nòi.

Cũng theo TS Tài, để xác định bệnh Thalasemie, thì xét nghiệm máu là tiêu chí vàng, không thể không thực hiện. Nhà trường đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương và một số giáo sư đầu ngành để thực hiện đề tài khoa học này. Do tính chất và ý nghĩa quan trọng của đề tài nên các kỹ thuật viên xét nghiệm đã được tập huấn rất kỹ, trang thiết bị được Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp. Khi lấy máu, ngoài việc ghi đầy đủ tên tuổi thì các cháu còn được đánh mã số để theo dõi chặt chẽ. Các mẫu máu tiếp tục được bảo quản trong tủ lạnh với độ âm rất lớn, rồi sau đó được chuyển đến phòng xét nghiệm đặc biệt của Bệnh viện Nhi Trung ương.

 

Sáng 7/1 - học sinh lớp 6B Trường Phổ thông dân tộc nội trú- THCS Hồng Tiến học bình thường.

 

Sáng 7/1 - học sinh lớp 6B Trường Phổ thông dân tộc nội trú- THCS Hồng Tiến học bình thường.

Theo yêu cầu của đề tài, thì phải lấy được 1.250 mẫu máu để làm xét nghiệm, nhưng đến nay mới chỉ lấy 1.200 mẫu. Mỗi cháu học sinh tùy theo thể trạng mà được lấy từ 1 đến 2ml (từ 1 đến 2cc).

Ông Hoàng Văn Hảo - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An - nói: "Trong quá trình kiểm tra sức khỏe nhân dân, chúng tôi phát hiện một số lượng rất nhiều các cháu học sinh người dân tộc Thái và Mông ở Nghệ An bị thiếu máu do tán huyết bẩm sinh. Do vậy mà Ban chương trình KHCN chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tham mưu cho UBND tỉnh giao cho Trường Đại học Y khoa Vinh nghiên cứu đề tài này".

Không có chuyện... máu đựng trong xô

Tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, ông Kim Văn Hường - Chủ tịch UBND xã - nói: Ngày 17.12.2012, thầy Nguyễn Cảnh Phú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh và các thành viên khác về làm việc với xã và hai Trường PT dân tộc nội trú- THCS Hồng Tiến và Tiểu học Châu Hồng. Thấy đây là việc làm hết sức có lợi cho nhân dân nên chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để đoàn thực hiện xét nghiệm máu cho các cháu học sinh. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, ngoại trừ một sự cố là nhà trường đã không thông báo kịp thời cho phụ huynh học sinh, dẫn đến việc thắc mắc trong dân.

Đã có 60 người dân đến xã và đến trường tiểu học để hỏi nguồn cơn sự việc, vì đã có người tung tin rằng, các thầy cô câu kết với người xấu để lấy máu học sinh đi bán. Nhưng khi được giải thích, bà con đã hiểu và vui vẻ ra về, từ đó đến nay không ai có ý kiến gì nữa.

Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú- THCS Hồng Tiến, Hiệu trưởng nhà trường - thầy Lữ Xuân Khầm - nói: Ngày 17.12, có đoàn tiền trạm về trường làm việc. Tôi đã gọi điện hỏi thầy Võ Sỹ Sơn - Trưởng phòng GDĐT - để xin ý kiến. Thầy Sơn cho biết, Trường ĐH Y khoa đã làm việc với UBND huyện và các phòng ban liên quan, tỉnh cũng đã có ý kiến, đề nghị trường tạo điều kiện để đoàn công tác xét nghiệm máu cho học sinh.

Ngay sau đó, nhà trường đã thông báo cho giáo viên chủ nhiệm để thông báo cho các em được biết. Sáng 20.12 thì việc xét nghiệm được tiến hành. Có 213/316 học sinh của nhà trường được lấy mẫu máu. "Tôi đi hết các phòng để kiểm tra, làm gì có chuyện một xilanh dùng cho 4 cháu, làm gì có chuyện máu đựng trong xô. Nói thế là quá bịa đặt" - thầy Khầm bức xúc. Tuy thế, thầy Khầm vẫn nhận trách nhiệm: "Lẽ ra chúng tôi có thông báo sớm cho phụ huynh, nhưng chủ quan là trường nội trú, có giáo viên chủ nhiệm, có bộ phận quản sinh nên không dặn các em về thông báo với cha mẹ".

Tôi đã gặp 3 học sinh để tìm hiểu thêm về sự việc. Em Lô Thị Khánh Linh (12 tuổi) ở bản Pật cho biết: "Họ lấy một ít máu thôi, lấy xong thì bỏ vào một cái ống thủy tinh to bằng ngón tay, ghi tên của em và mã số nữa. Em có hơi mệt một tí, nhưng sau đó thì bình thường, không có biểu hiện gì".

Em Quang Bách ở bản Mới, xã Châu Tiến có so sánh: "Em đã một lần được xét nghiệm máu ở bệnh viện rồi, máu họ lấy hôm trước cũng bằng với hôm em đi viện xét nghiệm". Riêng em Lô Thị Mai Hoa ở bản Mới thì có choáng một tí, suýt ngã ở cầu thang, nhưng sau đó cũng không sao nữa. Hoa cho biết: "Trước khi lấy máu, họ yêu cầu chúng em viết vào phiếu điều tra. Ai cũng phải ghi rõ họ tên, tuổi, dân tộc, tên và tuổi của bố mẹ nữa. Mỗi người được dùng một kim tiêm riêng, không dùng chung đâu".

Ở bản Na Hiêng, xã Châu Hồng, tôi đã gặp bà Lương Thị Lan - phụ huynh của em Trương Long Nhật, học lớp 3B Trường Tiểu học Châu Hồng. Bà Lan nói ''khi cháu nói được lấy máu để xét nghiệm tôi có theo dõi, nhưng không thấy biểu hiện gì khác thường. Tôi chỉ ngạc nhiên không được thông báo về việc này''.  

Còn bà Lương Thị Thanh - mẹ em Lô Văn Út (9 tuổi), học lớp 4B - thì cho biết: "Tối Út về nhà, tôi thấy tay cháu hơi tím tí chút. Hỏi thì cháu nói là có đoàn bác sĩ về trường lấy máu để xét nghiệm. Tôi hơi bực mình, sáng 21.12 cùng với một số người nữa đến trường để hỏi, nhưng thấy các thầy, cô giáo đang dạy học say sưa, nên ra về. Sau đó được xã giải thích là có nghiên cứu về bệnh gì đó, nhưng đến nay vẫn chưa biết cụ thể. Nếu mà được thông báo thì nhà ta đồng ý liền, họ lo cho sức khoẻ của con mình mà".

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Lao Động)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo