Pháp luật

Rút ruột hàng đóng gói sẵn

Việc quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng cũng như thói quen “ít nghi ngờ” của người tiêu dùng lâu nay đã tạo điều kiện tốt cho các gian lận trọng lượng hàng đóng gói sẵn gia tăng.

Các số liệu công bố tại Hội nghị Năng suất chất lượng TP.Hồ Chí Minh với chủ đề Quản lý đo lường hàng đóng gói sẵn do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/11 cho thấy tình hình gian lận trọng lượng hàng đóng gói sẵn rất nghiêm trọng.

 

Có gói hàng trọng lượng ghi trên bao bì là 500 gr nhưng khi kiểm tra phát hiện chỉ có hơn 300 gr, chai nước mắm thể tích ghi trên vỏ chai là 500 ml nhưng kết quả kiểm tra chỉ có 450 ml...


Ông Nguyễn Minh Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng An Giang

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food, tình trạng gian lận trong đóng gói thực phẩm, thủy hải sản đông lạnh là phổ biến.

 

Ngoài việc gian lận về xuất xứ, chẳng hạn cá saba Đài Loan nhưng doanh nghiệp đóng gói lại ghi cá saba Nhật Bản (giá cá Nhật Bản cao hơn rất nhiều so với cá Đài Loan), thì còn có tình trạng thiếu trọng lượng.
 
Người tiêu dùng lâu nay ít nghi ngờ, cũng như không có thói quen sau khi mua thực phẩm đông lạnh về đem rã đông và cân lại trọng lượng cho nên hành vi gian lận này ít bị phát hiện.

 

Ngay chính các nhà bán lẻ cũng không làm động tác kiểm tra này, việc quản lý của cơ quan chức năng cũng lỏng lẻo, tất cả đã tạo điều kiện tốt cho các gian lận phát triển.

Cân luôn cả... cái rổ

Điều bà Lê Thị Thanh Lâm cảnh báo cũng đã từng được PV phản ánh trước đây. Hiện tượng nhiều doanh nghiệp, cơ sở âm thầm giảm trọng lượng gói hàng trong khi giữ nguyên giá bán cũng thường xuyên diễn ra. Bà Lâm nhận định, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp không tăng được giá bán, bị lỗ đã lợi dụng sự lơi lỏng về công tác giám sát, quản lý để gian lận.

Các số liệu do ông Nguyễn Minh Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng An Giang, công bố tại hội nghị khiến nhiều người giật mình. Theo đó, tháng 9/2012, Chi cục đã tiến hành kiểm tra tại các siêu thị, cửa hàng, cơ sở, nhà máy sản xuất xi măng, thức ăn gia súc... và lấy 16 mẫu để kiểm tra về đo lường. Kết quả cho thấy có đến 43% mẫu không đạt.

Trước đó, vào tháng 11/2011, Chi cục kiểm tra 18 mẫu trà, cà phê, mì ăn liền, thủy hải sản đông lạnh, thủy hải sản khô, dầu ăn, nước tương, nước mắm, nước giải khát... Kết quả có đến 50% số mẫu thiếu trọng lượng từ 11-29%. “Có gói hàng trọng lượng ghi trên bao bì là 500 gr nhưng khi kiểm tra phát hiện chỉ có hơn 300 gr, chai nước mắm thể tích ghi trên vỏ chai là 500 ml nhưng kết quả kiểm tra chỉ có 450 ml...


 

Người tiêu dùng lâu nay ít nghi ngờ, cũng như không có thói quen sau khi mua thực phẩm đông lạnh

về đem rã đông và cân lại trọng lượng cho nên hành vi gian lận này ít bị phát hiện. Ảnh minh họa

 


Theo chúng tôi tính toán, với mức độ gian lận theo mẫu kiểm tra phát hiện, thì khi người tiêu dùng bỏ ra 1.000 đồng mua hàng đóng sẵn đã bị đơn vị sản xuất, kinh doanh ăn gian từ 110 - 290 đồng”, ông Chiến nói.

Cũng theo ông Chiến, nhiều đơn vị bị phát hiện hàng hóa đóng gói thiếu trọng lượng đã giải thích “ngây ngô” rằng do nhân viên cân hàng đã cân luôn cả... cái rổ, đóng chai nước mắm, nước tương thiếu thì giải thích do vỏ chai... dày quá.

“Tình hình này là kết quả của một thời gian dài vừa qua chúng ta gần như bỏ ngỏ việc kiểm tra đo lường hàng đóng gói sẵn, thủy hải sản cấp đông, chủ yếu kiểm tra hàng khô, mặt hàng đơn giản ở các siêu thị, cửa hàng”, ông Chiến nói.


“Phủ sóng” kiểm tra 18 nhóm hàng

Theo báo cáo của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.Hồ Chí Minh, trong 3 năm từ 2010-2012, Chi cục đã kiểm tra 254 lượt các cơ sở, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng đóng gói sẵn, phát hiện 59 vụ vi phạm (23,2%), hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa thiếu khối lượng, thể tích... Trong Danh mục hàng hóa đóng gói sẵn phải quản lý nhà nước về đo lường gồm 18 chủng loại sản phẩm, đến nay Chi cục mới chỉ kiểm tra hằng năm khoảng 9 nhóm sản phẩm.

Theo ông Đinh Thái Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.Hồ Chí Minh, nguyên nhân khiến Chi cục chưa thể kiểm tra nhiều nhóm hàng hơn là do thiếu phương tiện kỹ thuật và quy định hướng dẫn.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng TP.Hồ Chí Minh có trên 2.000 cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng đóng gói sẵn nhưng thời gian qua cơ quan chức năng chỉ lấy mẫu kiểm tra 254 lượt là quá ít. Trong khi đó, hầu hết các đại biểu đều đồng tình với nhận định của ông Nguyễn Minh Chiến rằng tỷ lệ mẫu hàng đóng gói sẵn bị phát hiện thiếu trọng lượng trung bình gần 50% theo kết quả kiểm tra ở An Giang là “rất nghiêm trọng”.

Tình trạng này chắc chắn cũng diễn ra tương tự ở các địa phương khác do các sản phẩm đóng gói này phần lớn được phân phối trên nhiều địa phương. Theo ông Chiến, việc kiểm tra mới chỉ thực hiện đối với hàng bán trong siêu thị, vốn đã qua kiểm tra, giám sát của nhà bán lẻ, nếu kiểm tra hàng bán ở chợ lẻ, quầy tạp hóa... thì tỷ lệ vi phạm chắc chắn sẽ còn cao hơn.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ TP.Hồ Chí Minh, cũng nhìn nhận: “Thời gian vừa qua số mẫu kiểm tra quá ít trong khi TP.Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại, lượng hàng hóa trên thị trường rất lớn. Hàng nước đóng chai, thủy hải sản đông lạnh... cũng chưa kiểm tra được, ngay cả bia rượu, nước giải khát người dân dùng hằng ngày nhưng chúng ta không kiểm tra thì người dân không yên tâm.

Không thể biện minh là do thiếu trang bị máy móc nên không kiểm tra được, bởi không lẽ TP.Hồ Chí Minh thiếu tiền để trang bị máy móc cần thiết? Tôi đề nghị trong năm 2013, chậm nhất trong năm 2014 phải phủ sóng hết việc kiểm tra toàn bộ 18 nhóm hàng trong Danh mục hàng hóa đóng gói sẵn phải quản lý Nhà nước về đo lường”.


Các kiểu gian lận phổ biến:

- Không ghi rõ khối lượng tịnh sau rã đông trên bao bì hàng đông lạnh, do đó hàng có nước được mạ băng lên đến 20%/tổng khối lượng. Cũng có sản phẩm, tỷ lệ mạ băng lên đến 25%, thậm chí hơn.

- Độn hàng thấp cấp vào hàng chất lượng tốt rồi bán giá cao.

- Ghi không đúng xuất xứ để nâng giá.

- Các loại hàng hóa như nước ngọt, bia, gas... cũng bị phát hiện “ăn gian” thể tích. Nổi tiếng nhất là thủ đoạn “rút ruột” gas thông qua chiết nạp thiếu trọng lượng. Có trường hợp “ăn” đến 1/2 trọng lượng bình gas, rồi khuyến mãi giảm giá dụ khách hàng ham rẻ.



Hoàng Anh (Theo Pháp luật TP.HCM)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo