Xã hội

Sách giáo khoa hiện nay nhiều bất cập

Đó là thừa nhận của Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Phạm Vũ Luận khi giải trình với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trả lời trực tiếp chất vấn của các đại biểu Quốc hội, ngày 25/12.

SGK còn nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn

Sau khi nghe phản ánh của Đại biểu Lê Thị Tám, Đại biểu Nguyễn Trung Thu và Đại biểu Huỳnh Thành Đạt cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập là do chương trình - Sách giáo khoa hiện hành nặng tính hàn lâm, chuyên sâu, xa rời thực tiễn, chủ yếu phục vụ thi cử khiến giáo viên và học sinh gặp khó khăn. Tính liên thông của chương trình yếu, chưa phân luồng, hướng nghiệp có hiệu quả đối với học sinh cuối cấp. Còn Đại biểu Đào Trọng Thi đặt câu hỏi "Luật Giáo dục quy định cả nước dùng chung một bộ SGK. Nhưng gần đây rộ lên ý kiến về một chương trình, nhiều bộ sách. Quan điểm của Bộ?".

Trước những ý kiến đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận: "Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến chương trình từng môn học; không có một tổng chủ biên chương trình  SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Việc thực hiện chương trình SGK ở các địa phương nặng tính hành chính (giám sát theo phân phối chương trình, không theo chuẩn kiến thức, kỹ năng)nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn. Chương trình chưa thật sự chú trọng đến tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Hình thức phân ban kết hợp tự chọn ở cấp THPT chưa thật sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học...


 SGK không có một tổng chủ biên chương trình từ lớp 1 đến lớp 12
 

SGK không có một tổng chủ biên chương trình từ lớp 1 đến lớp 12

“Chương trình giáo dục phổ thông mới không ăn nhập với chương trình đào tạo ở các trường sư phạm cũng như việc đào tạo bổ sung với đội ngũ giáo viên đang làm nghề. Điều này khiến giáo viên ngại thay đổi, không thực hiện hiệu quả tinh thần đổi mới” - Bộ trưởng đã nhấn mạnh.

Bộ Trưởng cũng đã thừa nhận “chất lượng giáo dục đại trà còn thấp, kiến thức cơ bản về xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, khả năng tự học, tự sáng tạo của một bộ phận học sinh còn kém”. Ông Luận cho biết sẽ rút kinh nghiệm từ bất cập hiện nay, kinh nghiệm của thế giới để xây dựng chương trình - SGK sau năm 2015.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, hai năm qua, Bộ GD& ĐT đã nghiên cứu về khả năng có nhiều bộ SGK. Bộ cũng đã nhận được nhiều góp ý nhưng đây là việc làm hệ trọng và Bộ vẫn đang lắng nghe và chủ động nghiên cứu. Tuy nhiên, phương án cụ thể sẽ được trình bày trong đề án.

Sẽ có nhiều bộ SGK

Trước đó, đầu tháng 12, tại Hội thảo Đề án đổi mới sách giáo khoa sau năm 2015 với sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý cao cấp Việt Nam và Đan Mạch, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc làm sách giáo khoa phổ thông sắp tới sẽ theo hướng có chương trình chung với nhiều bộ sách. Hiện, mới có sách tiếng Anh là theo kiểu mẫu này. Còn theo GS Đinh Quang Báo (Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa), sách giáo khoa hiện nay không quá tải nhưng cần thay đổi theo hướng có nhiều bộ sách, giáo viên dạy theo bộ nào là quyền của họ.

Trước một số băn khoăn về chương trình dạy học tích hợp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Vấn đề dạy học tích hợp là xu thế chung của thế giới mà chung phải theo, nhưng có sự chọn lọc. Tuy nhiên việc thay đổi giữa chương trình cũ và mới, chuyện đào tạo giáo viên còn chưa ăn nhập dẫn tới giáo viên lung túng, ngại thay đổi.

Bộ trưởng cũng cho biết: Bộ GD&ĐT đang xây dựng chương trình đánh giá chất lượng giáo dục của các nước tiên tiến, theo quy trình nghiêm ngặt của tổ chức quốc tế. Khả năng đến năm 2013 sẽ công bố chương trình này.

"Việc đổi mới sách giáo khoa phải đảm bảo yêu cầu đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương cũng như các cấp, bậc học. Tuy nhiên, việc đổi mới phải không được nóng vội; phải đảm bảo tính kế thừa và tiếp thu những kinh nghiệm của các nền giáo dục phát triển..." - Bộ trưởng nhấn mạnh.



Hồng Lĩnh (Theo VnMedia)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo