Pháp luật

Sách lậu: Căn bệnh trầm kha chưa có thuốc đặc trị

In lậu, xâm phạm quyền tác giả đã trở thành vấn nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản cũng như quyền lợi của tác giả. Mặc dù bị phát hiện nhưng hình thức xử phạt cũng chỉ dừng ở các biện pháp hành chính nên các chủ nậu gần như “nhờn thuốc”.

Tại hội thảo "Chống in lậu và sách giả" do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức sáng 13/11, nhiều ý kiến bức xúc đã được nêu ra, tuy nhiên cơ quan quản lý thì lúng túng còn doanh nghiệp thì vẫn phải "tự phòng vệ" là chính.

Có hay không sự bảo kê?


Đường Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn... nổi tiếng không chỉ bởi sự sầm uất về buôn bán mà ở đây còn là địa chỉ "đỏ" mà những người yêu sách thường tìm đến để mua những cuốn sách, truyện được giảm từ 20%-50% giá bìa, thậm chí là hơn thế nữa.

Các đầu sách ở đây cũng vô cùng phong phú, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến sách nghiên cứu, giáo khoa, truyện thiếu nhi… Thậm chí, có những cuốn sách “độc” mà người mua chỉ có thể tìm thấy ở đây, nhưng tất cả đều hiểu đây là sách "ngoài luồng".

"Tại sao lại có truyện này và sách lậu được bày bán công khai nhưng không sao cả. Nghe nói được bảo kê, được bao bọc...," ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà tỏ ra băn khoăn trước nạn in lậu và sách giả tràn lan hiện nay.

Với cách nhìn của người trong cuộc, ông Hùng cũng mang đến hội nghị nhiều cuốn sách giả với kích thước, giá cả, chất lượng khác xa sách thật. Thậm chí, tên cuốn sách còn bị in thiếu. Ví dụ như cuốn sách "Sống như Tiểu Cường" được in lậu thành "Sống Tiểu Cường".

"Không rõ trách nhiệm thuộc về Công an, Quản lý thị trường, Cục xuất bản, Cục bản quyền, Bộ Thông tin truyền thông hay Bộ Giáo Dục," ông Hùng đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm này, theo Tiến Sỹ Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, thực tế kiểm tra thì ở điểm nào cũng có sách lậu và tình trạng này hết sức trầm trọng.

Tuy nhiên, hành vi buôn, bán sách lậu muốn triệt được tận gốc cần phải có sự phối hợp của chủ thể sở hữu với các cơ quan chức năng. Nếu không có sự hỗ trợ và xác nhận của chủ thể về những đầu sách lậu được tịch thu thì coi như việc xử lý vi phạm cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Tự bảo vệ là chính

Có thể nói, quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động in đang thiếu thống nhất và còn nhiều "lỗ hổng". Cơ sở in chỉ cần đăng ký kinh doanh là được hoạt động, trong khi cơ quan cấp đăng ký kinh doanh lại không có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động in. Đây chính là kẽ hở để các cơ sở in và đầu nậu mặc sức hoành hành.

Theo Cục Xuất Bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, trước năm 2004 cả nước có hơn 160 cơ sở in đều thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng sau 8 năm đã lên tới gần 1.500 cơ sở in công nghiệp. Trong số đó chỉ có 1/3 chịu sự điều chỉnh, kiểm soát của Luật Xuất Bản và Nghị định 105/CP, còn lại gần 2/3 cơ sở cộng với khoảng 10.000 cơ sở in lưới, in quảng cáo, photocopy không có khung pháp lý điều chỉnh, tức là không chịu bất cứ sự điều chỉnh nào của pháp luật chuyên ngành, nên họ mặc nhiên hiểu không ai quản lý, tự do hoạt động.

Ông Phạm Trung Thông, Trưởng phòng Quản lý in, Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ trưởng thường trực Đoàn thanh tra liên ngành phòng chống in lậu Trung ương cũng thừa nhận, hoạt động in đang diễn biến hết sức phức tạp, nạn in lậu, in giả vẫn gia tăng khó kiểm soát nhưng công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, thậm chí là "bất lực".

Nguyên nhân được cho là thể chế quản lý không thống nhất, thiếu phối hợp với các cơ quan chức năng, thanh tra kiểm tra hiệu quả không cao vì chủ yếu theo kế hoạch, ít có thông tin để kiểm tra đột xuất. Đặc biệt, chế tài xử lý không đủ mạnh, thậm chí khung hình phạt xử lý vi phạm hành chính cao nhất là 40 triệu, xử lý hình sự cao nhất là một năm nên không đủ sức răn đe.

"Đây là những yếu tố làm giảm năng lực quản lý Nhà nước về hoạt động in trong thời gian qua," ông Phạm Trung Thông nêu ý kiến.

Từ thực tiễn đối phó với nạn sách lậu ở Hà Nội và các thành phố lớn, ông Phạm Trung Thông cho rằng, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và có quy định để “khoanh vùng” phạm vi hoạt động cho các nhà xuất bản không thể tràn lan ở nhiều lĩnh vực như hiện nay đồng thời nâng mức xử phạt đủ sức răn đe tạo điều kiện cho công tác thanh tra, kiểm tra có hiệu quả.

Chưa có con số thống kê chính xác số lượng sách lậu được tung ra thị trường mỗi tháng là bao nhiêu, nhưng có thể thấy lợi nhuận đang đổ vào túi các đầu nậu sách là rất lớn. Trước "căn bệnh nan y" này, giải pháp mà Tiến Sỹ Nguyễn Đăng Quang kêu gọi đó là, các nhà xuất bản phải tự phòng vệ và giải pháp hữu hiệu nhất vẫn chỉ là tem chống giả.

Lãnh đạo Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ thành lập nhiều đoàn liên ngành để kiểm tra và chấn chỉnh các cơ sở in cũng như cửa hàng bán sách trên địa bàn.

Tuy nhiên, đây mới chỉ giải quyết được tầm ngọn, còn 2/3 cơ sở in công nghiệp và khoảng 10.000 cơ sở in lưới vẫn chưa có luật điều chỉnh thì xem ra hoạt động buôn bán sách lậu sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiến hành 3 cuộc thanh tra, xử phạt 2 công ty có hành vi vi phạm luật (nhận in sản phẩm không có hợp đồng) mỗi công ty 15 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật, trị giá 450 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng đã tiến hành tổ chức tiêu hủy 5.200 kg xuất bản phẩm vi phạm quy định về xuất bản, in, gia công sau in và xuất bản phẩm lưu hành không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.



Đoàn Huế (Theo Vietnam+)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo