Sai phạm hàng chục tỷ đồng ở dự án thủy điện Sê San 4
Thanh toán khống
Ngày 21-10-2004, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là EVN) phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Sê San 4 trên sông Sê San (nằm giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum).
Công trình có công suất lắp máy 360 MW, lượng điện trung bình hàng năm 1.402 triệu Kwh. Diện tích chiếm đất và rừng 7.858 ha. Công trình giao cho Ban quản lý dự án thủy điện 4 làm chủ đầu tư.
Tiến độ thực hiện dự án trong 5 năm, hoàn thành công trình năm 2009-2010. Dự án chia thành 151 gói thầu, trong đó chỉ có 11 gói thầu được đấu thầu, 11 gói không thực hiện còn lại 129 gói thầu chỉ định thầu.
Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, cơ quan chức năng chỉ căn cứ vào hồ sơ nghiệm thu, bản vẽ hoàn công tính toán một số hạng mục xây lắp khiến cho tổng khối lượng nghiệm thu quyết toán tăng 14,598 tỷ đồng.
Trong số hơn 14,5 tỷ đồng được nghiệm thu quyết toán khống, đến nay đại diện Ban quản lý dự án thủy điện 4 ông Nguyễn Mạnh Long là trưởng ban đã thanh toán cho bên thi công hơn 4 tỷ đồng.
Đối với công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán xây dựng công trình nhiều hạng mục chủ đầu tư áp dụng sai định mức và đơn giá xây dựng “làm quà” cho bên thi công lên đến hơn 11,536 tỉ đồng.
Cụ thể đã “áp nhầm” đơn giá máy xúc đào bánh xích vào đơn giá máy xúc lật trong công tác sản xuất bê tông thường tại trạm trộn làm tổng dự toán tăng 7,188 tỷ đồng.
“Áp nhầm” định mức xúc, vận chuyển đá từ bãi trữ thành đá xúc vận chuyển sau khi nổ mìn từ mỏ làm tăng dự toán lên 2,122 tỷ đồng…
Mất tiền từ hợp đồng bảo hiểm
Ngày 24-6-2005, Ban quản lý dự án thủy điện 4 ký với Bảo Việt Việt Nam hợp đồng bảo hiểm về bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng, lắp đặt công trình thủy điện Sê San 4, giá trị hợp đồng là 42,611 tỷ đồng, được tính bằng 1,08% giá trị xây lắp.
Hiệu lực hợp đồng tính trước 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng ( ngày 26-12-2004) thời gian kết thúc là ngày 30-6-2009. Trên thực tế đến tháng 4-2010, công trình mới cơ bản thoàn thành.
Ngày 30-6-2009, thủy điện Sê San 4 mới thi công đạt giá trị thiết bị xây lắp hơn 2.628 tỉ đồng, tương ứng với số tiền bảo hiểm là 31,594 tỉ đồng.
Sau ngày 30-6-2009, hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã hết, Bảo Việt cử người đến đàm phán ký tiếp phụ lục bảo hiểm đến khi công trình hoàn thành nhưng chủ đầu tư không ký.
Trong khi đó 100% giá trị bảo hiểm công trình trị giá hơn 42 tỷ đồng chủ đầu tư đã chuyển đủ cho bên bảo hiểm.
Tháng 9-2009 và tháng 1-2010 công trình xảy ra tổn thất rất lớn, bảo hiểm đã từ chối thanh toán. Cơ quan chức năng đã yêu cầu Ban quản lý dự án thủy điện 4 thu hồi hơn 11 tỷ đồng đã thanh toán vượt về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên qua làm việc với chúng tôi Bảo Việt tại Gia Lai cho rằng đây là gói thầu Bảo Việt chiếm 60%, PJICO chiếm 40%, cả hai đều ký tái với các tổ chức bảo hiểm lớn ở nước ngoài. Việc hoàn trả phí là không thể được, việc thi công chậm tiến độ là do chủ đầu tư.
Hà Chi (Theo TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo