Pháp luật

Sai phạm vẫn được bổ nhiệm làm cục trưởng

Tổng công ty hàng hải (Vinalines) dưới thời ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả, thất thoát vốn nhà nước, nhưng cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải lại có quyết định bổ nhiệm ông này lên làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Ngày 7/9/2011, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines. Thời hạn thanh tra là 75 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra tại đơn vị.

 

Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ 1/1/2007 đến 31/12/2010 đối với hoạt động đầu tư dài hạn. Quyết định thanh tra được đưa ra sau khi Vinalines lần đầu tiên công bố con số lỗ 660 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2011 (trong đó số lỗ của các đơn vị thuộc Vinalines là 507 tỉ đồng, riêng 5 đơn vị chuyển từ Vinashin sang lỗ 153 tỉ đồng).

 

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ lãnh đạo của Vinalines cho biết, trong quá trình thanh tra và khi đưa ra kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng đã làm việc với Vinalines và đơn vị này đã có những giải trình về kết luận thanh tra.

 

Tuy nhiên, đầu tháng 2/2012, tức gần 2 tháng sau khi quy trình thanh tra kết thúc, ông Dương Chí Dũng sau khi có quyết định thôi chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã bổ nhiệm ông Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

 

Như vậy, thời điểm ông Dũng được bổ nhiệm lên làm lãnh đạo một cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, thông qua kiến nghị và quá trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, đơn vị chủ quản là Bộ Giao thông vận tải đã có các thông tin về những sai phạm của ông Dũng trong quá trình lãnh đạo tại Vinalines. Nhưng không hiểu vì lẽ gì mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tảivẫn bổ nhiệm ông Dũng giữ chức vụ đứng đầu một ngành?

 

Đáng lưu ý, không chỉ riêng ông Dương Chí Dũng, ông Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines - người cũng chịu trách nhiệm chính trong các sai phạm về mua, bán, cho thuê đội tàu, đầu tư cảng, đầu tư tài chính dài hạn..., sau khi “hạ cánh” khỏi Vinalines đã được điều chuyển về làm trợ lý cho ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2006-2010, sau đó được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải.

 

Trong khi đó, ở một diễn biến khác, ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đầu tháng 2/2012 đã phải nhận quyết định miễn nhiệm chức vụ do công tác điều hành yếu.

 

Thời gian ông Đào Văn Hưng giữ chức vụ tại tập đoàn, hoạt động của EVN trong nhiều lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả. Một trong những ví dụ là yếu kém trong việc kinh doanh, sản xuất của EVN Telecom.

 

Quyết định này được đưa ra sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của EVN, cho thấy nhiều dấu hiệu sai phạm, lãng phí trong công tác quản lý, thiếu hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn tài sản của nhà nước.

 

Theo quyết định của Chính phủ, ông Đào Văn Hưng tạm thời chưa được bổ nhiệm vào vị trí công tác khác (tại Bộ Công thương - PV), mà phải chờ kết luận kiểm điểm trách nhiệm cụ thể từ phía EVN và Bộ Công thương, thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và Chính phủ.

 

Khó hiểu!

 

Theo điều kiện bổ nhiệm, trình tự bổ nhiệm cán bộ công chức lãnh đạo được quy định tại điều 6, điều 7 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ công chức lãnh đạo (ban hành kèm theo Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg) ngày 19/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Người được bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chung, không bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách đến cách chức. Với nguồn nhân sự từ nơi khác, tập thể lãnh đạo cơ quan phải lấy ý kiến, tìm hiểu và xác minh lý lịch...

 

Bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, theo quy trình bổ nhiệm cán bộ, khi bổ nhiệm một chức vụ mới, khâu thẩm tra lý lịch, kiểm điểm nhận xét quá trình công tác là điều phải làm. Việc bổ nhiệm cán bộ cấp Cục thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, mà ở đây là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

 

Theo bà Thu Ba, việc bổ nhiệm cán bộ với ông Dương Chí Dũng trong thời điểm Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và phát hiện nhiều sai phạm liên quan tới điều hành, lãnh đạo của ông Dương Chí Dũng là “không nên và khó hiểu”.

 

Bày tỏ nỗi buồn khi đọc tin “khởi tố Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam”, ông Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, tổ chức cán bộ phải biết rõ quá trình hoạt động dưới cương vị quản lý của ông Dương Chí Dũng cũng như ông Mai Văn Phúc, nếu biết rõ những sai phạm trong quá trình này thì phải dừng khâu bổ nhiệm.

 

Theo ông Thứ, Cục Hàng hải Việt Nam là bộ mặt quốc gia về hàng hải. Tuy nhiên, việc điều động cán bộ không hợp lý đã dẫn tới kết quả khởi tố, lệnh bắt giam ông Dương Chí Dũng khi đang đương nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

 

“Dù tội danh khởi tố, bắt tạm giam ông Dũng xuất phát từ những sai phạm trong quá trình lãnh đạo Vinalines, nhưng hình ảnh của Cục Hàng hải Việt Nam, một cơ quan nhà nước quản lý về hàng hải đã ít nhiều bị ảnh hưởng”, ông Thứ nói.  

 

 

Phát lệnh truy nã ông Dương Chí Dũng

Hôm qua 19/5, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với bị can Dương Chí Dũng (55 tuổi, ngụ ở Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội), nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (bị đình chỉ công tác ngày 18/5).

Trước đó, ông Dũng bị khởi tố về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, thời điểm Bộ Công an tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam thì ông Dương Chí Dũng không có mặt tại nhà cũng như nơi làm việc. Cục Hàng Hải cũng xác định ngày 18.5, ông Dũng đã không đến cơ quan và cũng không có kế hoạch đi công tác đột xuất.

Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8/2005. Cuối năm 2006, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines. Đến tháng 7/2011, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch  Hội đồng thành viên Vinalines và đến đầu tháng 2 năm nay thì thôi chức này để chuyển sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải.  

Thái Uyên

 

Đầu tư lãng phí

Một trong những sai phạm lớn của ông Dương Chí Dũng thời ở Vinalines là quyết định mua ụ nổi No83M thuộc dự án đầu tư nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam.

Theo đề nghị của Vinalines, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép Vinalines triển khai lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam (bằng nguồn vốn tự huy động) theo đúng các quy định hiện hành, giao Bộ Giao thông vận tải cập nhật dự án trên vào quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, đến nay chưa có văn bản nào quyết định bổ sung xây dựng nhà máy vào quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy theo Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 11.11.2002 của Thủ tướng Chính phủ (về quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy VN đến năm 2010).

Việc mua ụ nổi No83M của Vinalines có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật về đầu tư gây lãng phí vốn đầu tư phát sinh đến 30.4.2010 là 489,6 tỉ đồng đã được Báo Thanh Niên phản ánh trong các số báo trước. Như vậy, trong quá trình phải tiến hành cập nhật dự án trên vào quy hoạch ngành, Bộ Giao thông vận tải không thể không biết những sai phạm liên quan đến dự án.

Theo TN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo