Pháp luật

Sai sót chuyên môn… xí xóa bằng tiền!?

Vụ “Phòng khám nói chỉ “rửa tử cung”, bệnh nhân kiện “vỡ tử cung”” ở phòng khám đa khoa Thiên Hòa đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ bởi phòng khám và người nhà bệnh nhân đã không thể hòa giải. Từ vụ việc này, dư luận đang đặt ra câu hỏi, phải chăng những sai sót chuyên môn dẫn đến tai biến, chết người đang được giải quyết bằng việc đền bù tiền?

Phòng khám Đa khoa Thiên Hòa.

“Lùng nhùng” việc đền bù

Báo Lao Động & Đời sống số 32/2014 có bài “Phòng khám nói chỉ “rửa tử cung”, bệnh nhân kiện “vỡ tử cung” phản ánh việc bệnh nhân (BN) Nguyễn Thị Sang ở Hoài Đức (Hà Nội) đến Phòng khám Đa khoa (PKĐK) Thiên Hòa (73 Trần Duy Hưng, Hà Nội) để phá thai 20 tuần và xảy ra tai biến vỡ tử cung, vỡ bàng quang, đứt ống tiết niệu. Trong khi đó, PKĐK Thiên Hòa vẫn khẳng định không phá thai cho chị Sang mà chỉ “rửa tử cung” với số tiền viện phí lên đến hơn 7 triệu đồng. Đến nay, vụ việc vẫn chưa được ngã ngũ.

Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Công ty CP đầu tư Tân Thiên Hòa - chủ đầu tư PKĐK Thiên Hòa đã có 2 buổi làm việc với gia đình BN. Ông Nguyễn Khắc Điền - bố đẻ của BN đã đòi PK phải bồi thường 300 triệu đồng và PK phải chịu trách nhiệm với những thương tổn của BN về sau này nhưng PK không chấp thuận. Gia đình BN Sang gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng. Ngày 14.8, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức buổi đối thoại giữa PK với gia đình BN Sang và hai bên thống nhất sẽ tiếp tục tự đối thoại, hòa giải. Trong buổi đối thoại này, gia đình BN tiếp tục đưa ra yêu cầu PK bồi thường 150 triệu đồng.

Đến ngày 19.8, đại diện Công ty và PK đã đến nhà ông Nguyễn Khắc Điền đối thoại, hòa giải và chấp nhận hỗ trợ cho BN Sang 150 triệu đồng để bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Điền vẫn yêu cầu PK phải chịu các chi phí khám chữa bệnh nếu chị Sang bị tái phát trong cả phần đời còn lại. Đại diện Công ty CP đầu tư Tân Thiên Hòa không chấp nhận yêu cầu này nên buổi hòa giải đã không thành công. Sau đó, ngày 20.8, ông Nguyễn Khắc Điền lại tiếp tục gửi đơn tố cáo PK đến các cơ quan chức năng.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Nếu việc hòa giải giữa PK và gia đình BN thành công với việc đáp ứng số tiền và yêu cầu mà gia đình BN đưa ra thì có nghĩa là Sở Y tế Hà Nội – cơ quan quản lý về chuyên môn sẽ “cho qua” vụ việc này và đồng nghĩa với việc PKĐK Thiên Hòa không làm gì sai?

Xảy ra tai biến, sao không làm rõ đúng - sai?

Rõ ràng, câu chuyện này vẫn còn rất nhiều điều chưa được làm sáng tỏ. PKĐK Thiên Hòa khẳng định: Từ chối không phá thai cho chị Sang, còn chị Sang khăng khăng đã được bác sĩ đặt thuốc để phá thai. Vậy có hay không việc phá thai? Một chi tiết rất đáng lưu ý là theo lời của TS-BS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội: Khi BN Sang vào BV Phụ sản Hà Nội đã vỡ tử cung, chảy máu. BV không phá thai cho sản phụ, chỉ hồi sức cho sản phụ tốt lên để phẫu thuật lấy thai và làm sạch ổ bụng. Vậy, PKĐK Thiên Hòa đã làm gì khiến cho BN bị vỡ tử cung?

 Trong biên bản làm việc ngày 14.8 đã ghi rõ: “Trong trường hợp hai bên tự đối thoại, hòa giải không thành công, hai bên thống nhất đề nghị Sở Y tế Hà Nội thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, đánh giá toàn bộ quá trình điều trị của PKĐK Thiên Hòa đối với BN Sang. PKĐK Thiên Hòa và Công ty CP đầu tư Tân Thiên Hòa cam kết chịu xử phạt nếu Hội đồng chuyên môn kết luận PK có vi phạm các quy chế về chuyên môn, vi phạm các quy định về khám chữa bệnh”. Đến nay, dư luận đang nóng lòng chờ đợi câu trả lời từ phía Sở Y tế Hà Nội.

Tai biến, chết người… đền bù tiền là xong(!?)

Liên tục trong thời gian gần đây, sau khi xảy ra các sự cố trong ngành y như chết người hay các tai biến, gia đình BN khiếu kiện, đòi đền bù tiền, bệnh viện hay các phòng khám tư nhân thường chấp nhận bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để “hỗ trợ” (chứ không đền bù) cho gia đình BN và kèm theo đó là yêu cầu gia đình BN rút đơn kiện. Khi gia đình BN đồng ý rút đơn kiện cũng là lúc các cơ quan chức năng “hết việc”, không cần phải mất thời gian điều tra, xem xét đúng - sai. Vậy là những sai sót chuyên môn sẽ được xí xóa bằng tiền. Câu chuyện này hiện đang trở nên phổ biến. Và hậu quả là những sai sót chuyên môn, những vi phạm về khám chữa bệnh… đã không được soi xét đến cùng mà vẫn có chiều hướng tiếp diễn.

Xin nhắc lại câu chuyện vẫn đang nóng hổi về vụ ông BS Phạm Văn Ái - Giám đốc Trung tâm OSCA tổ chức đoàn phẫu thuật nhân đạo “chui” làm chết 3 trẻ bị hở hàm ếch ở Khánh Hòa. Việc ông Ái có cơ hội phạm sai lầm lần thứ hai chính là bởi hệ quả của kiểu “đền bù cho một mạng người bằng tiền”. Khi còn làm chủ Thẩm mỹ viện Hà Nội, ông Phạm Văn Ái đã hành nghề “chui” làm một nữ khách hàng tử vong khi phẫu thuật nâng ngực. Ngay sau đó, ông Ái bị khởi tố về hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Tuy nhiên, do đạt được thỏa thuận với gia đình nạn nhân với số tiền rất lớn nên ông Ái đã thoát án tù. Sau đó, thẩm mỹ viện của ông này vẫn hoạt động đều đều và còn đủ lực để phát triển thêm 1 trung tâm mới.

Theo báo Lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo