Samsung 'làm mưa làm gió' ở VN và bài học Nokia - Phần Lan
Thời của Samsung
Không chỉ ở Việt Nam, có thể nói Samsung đang tạo nên một hiện tượng về điện tử viễn thông trên toàn thế giới. Tập đoàn Hàn Quốc là đối thủ ngang ngửa với "Quả táo" Apple với các phát minh công nghệ mang tính dẫn đầu xu hướng. Chẳng thế mà năm 2013, Samsung đã nằm trong top 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới.
Và thuận theo xu hướng đó, công nghiệp sản xuất điện thoại và linh kiện của Việt Nam cũng được "hưởng lây" không ít từ sự thành công của Samsung. Trước đây, các mặt hàng xuất khẩu của nước ta được biết đến chủ yếu là quần áo, giầy dép thì kể từ khi Samsung đầu tư xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam, điện thoại và linh kiện đã nhanh chóng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính đến ngày 15/6, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã đạt 10,768 tỷ USD, chiếm 16,68% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (hơn 64 tỷ USD).
Năm 2013, khi "kéo" được dự án xây nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của Samsung với số vốn đăng ký lên tới hơn 3 tỷ USD, Thái Nguyên đã trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đến thời điểm này, Nhà máy Samsung Thái Nguyên đã sản xuất được gần 4 triệu sản phẩm; tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động; dự kiến trong năm 2014 doanh thu xuất khẩu đạt 8 tỷ USD.
Thành công như vậy nên chẳng ngạc nhiên khi vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trình HĐND tỉnh một loạt các cơ chế ưu đãi về đào tạo lạo động, giảm thuế trị giá tới 300 tỷ đồng để thu hút dự án trị giá 1 tỷ USD từ Samsung Complex. Với dự án này, Samsung sẽ nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên khoảng 6,8 tỷ USD, trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn và hiệu quả nhất tại Việt Nam. Vậy nên không quá khi nói rằng hiện tại đang là "thời của Samsung".
Bài học Nokia - Phần Lan
Là biểu tượng của đất nước Phần Lan, Nokia đã đưa nước này trở thành một trong những trung tâm công nghệ của Châu Âu với quy mô tăng trưởng kinh tế tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 1993 - 2008. Tuy nhiên, sự lớn mạnh chóng mặt của dòng điện thoại iPhone từ đối thủ Apple đã khiến Nokia mất tới 75% thị phần. Từ vị trí thống trị, Nokia giờ phải chật vật đối đầu với Apple, Samsung.
Và hậu quả kéo theo là cả nền kinh tế của Phần Lan cũng bị trì trệ. Ông Risto Siilasmaa, người sáng lập kiêm chủ tịch của công ty an ninh công nghệ F-Secure Corp, nhận xét: “Tại Phần Lan, Nokia được coi như một đối thủ lớn, một con vịt to trong một cái hồ nhỏ và nó như con dao hai lưỡi.”
Hệ luỵ có thể thấy ngay ở xuất khẩu dịch vụ của Phần Lan đã giảm 7% trong năm 2010. Năm 2009, doanh thu thuế mà Nokia mang lại rơi xuống mức khoảng 100 triệu euro, trong khi năm 2007 là 1,3 tỷ euro tương đương 1,86 tỷ USD.
Theo các chuyên gia Phần Lan, nước này đã phụ thuộc quá nhiều vào một doanh nghiệp. Các công ty công nghệ Phần Lan chỉ tập trung vào cung cấp sản phẩm cho Nokia chứ không xâm nhập thị trường mới. Phần Lan đã bỏ qua cơ hội tận dụng tầm ảnh hưởng của Nokia cũng như quỹ nghiên cứu hàng tỷ euro mà công ty này đóng góp để xây dựng ngành công nghệ quy mô lớn và phức hợp hơn.
Tấm gương của Nokia và Phần Lan sẽ là bài học để Việt Nam tránh đi vào "vết xe đổ". Đặc biệt khi Samsung đang có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong kim ngạch xuất khẩu và thu hút FDI của nước ta. Thay vì tập trung tất cả xoay quanh "ông lớn" Hàn Quốc, có lẽ các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng nên tìm thêm những thị trường mới cho mình, để tránh "tất cả trứng chỉ đặt vào một giỏ"!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp