Sân bay Long Thành: Lùi 10 năm
Phương thức huy động vốn chưa khả thi, dự báo lượng hành khách đạt được quá lạc quan.
Đó là ý kiến được nêu ra trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án xây dựng sân bay Long Thành trình bày trước Quốc hội (QH) sáng 29-10. Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng phương án huy động vốn cho dự án là chưa khả thi, dự báo về lượng hành khách đạt được còn quá lạc quan bởi nó còn phụ thuộc nhiều tính cạnh tranh, chất lượng phục vụ, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế của các nước trong khu vực...
Tiêu chuẩn nào nói chồng lấn vùng trời?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, qua thảo luận nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế băn khoăn khi báo cáo của Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành chưa thể hiện rõ vì sao không lựa chọn phương án mở rộng Tân Sơn Nhất hoặc cải tạo, mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa. Các ý kiến cũng băn khoăn về đánh giá khả năng cạnh tranh giữa sân bay Long Thành với các cảng hàng không trung chuyển trong khu vực.
“Nếu việc xây dựng sân bay Long Thành không nhằm mục đích trung chuyển hành khách, hàng hóa của khu vực và quốc tế mà chỉ vì mục tiêu giải quyết năng lực vận tải cho Tân Sơn Nhất và phát triển vận chuyển hàng không bình thường thì hệ thống cảng hàng không hiện tại với bảy cảng hàng không quốc tế có thể đáp ứng nhu cầu” - ông Giàu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Giàu, qua thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có ý kiến đề nghị nên chọn phương án cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa, đồng thời mở rộng Tân Sơn Nhất để hỗ trợ, phối hợp cùng khai thác có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không trong khoảng thời gian 10 năm tới. Sau đó sẽ đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
“Dựa trên những tiêu chuẩn kỹ thuật nào để nói rằng việc khai thác đồng thời sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa sẽ gây chồng lấn vùng trời tiếp cận? Sau này việc đồng thời khai thác ba cảng hàng không là Long Thành, sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất thì mức độ chồng lấn sẽ còn nhiều hơn” - ông Giàu cho hay.
Dự toán đầu tư: Mức độ chính xác chưa cao
Theo báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành sẽ có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỉ đồng (tương đương 7,8 tỉ USD), trong đó vốn nhà nước là 84.624 tỉ đồng, vốn khác là số còn lại.
Ủy ban Kinh tế cho rằng đây mới là vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả ba giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn (khoảng 18,7 tỉ USD). Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao.
Ngoài ra, phương án huy động vốn cũng chưa khả thi khi việc đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn. Trong trường hợp vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị về huy động vốn cần quán triệt nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, theo đó, huy động vốn ODA và khuyến khích hợp tác công tư. Mặt khác, để không ảnh hưởng đến nợ công, đề nghị Chính phủ cho phép Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam vay thương mại trực tiếp để thực hiện dự án.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nhận định báo cáo của Chính phủ đã dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được. Thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ… Nói cách khác là phải đảm bảo tính cạnh tranh liên tục với chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế của các nước trong khu vực thì mới được.
Theo Pháp luật TP.HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo