Sân chơi lúa gạo ASEAN: Ba sai lầm của Việt Nam
Theo số liệu từ hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 có thể lên tới 7,5 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm ngoái.
Tuy nhiên tính đến hết tháng 9/2012, tổng giá trị xuất khẩu gạo giảm 7,9%. Sự bất đối xứng giữa sản lượng và giá trị hạt gạo khiến người nông dân vẫn phải sống trong vòng luẩn quẩn của nền nông nghiệp giá rẻ.
Việc lỡ nhịp ở liên minh lúa gạo ASEAN hồi tháng 9 đã đẩy khả năng giải quyết về giá trị hạt gạo Việt Nam lâm vào thế khó khăn hơn.
Liên minh lúa gạo ASEAN và những lợi ích đến từ một “OPEC lúa gạo” đã được đưa ra bàn luận từ rất sớm. Thậm chí, việc chủ động hợp tác lúa gạo với Myanmar được xem là sáng kiến của Việt Nam.
Tuy nhiên, sáng kiến này chỉ dừng ở mức tiềm ẩn. Mãi đến thời điểm cuối tháng 8/2012, bộ trưởng thương mại của năm nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan mới tính ký thoả thuận thành lập hiệp hội Gạo ASEAN trong sáu tháng cuối năm 2012.
Sự chậm chân của Việt Nam gợi nhớ câu chuyện về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng” thông qua quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2002.
Chính sách nhằm hướng tới hai mục tiêu: nông dân có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, sản xuất hiệu quả, có lãi và doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu phát triển sản xuất.
Tuy nhiên theo nhận xét của ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang: “Qua gần mười năm quyết định đi vào cuộc sống vẫn chưa tới 10% giá trị nông sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được tiêu thụ qua hợp đồng, nguyên nhân xuất phát từ công tác triển khai rất chậm chạp…”.
Trong thời đại thế giới phẳng, việc công khai ý tưởng nhưng không mặn mà trong việc thực hiện sẽ gây ra hiệu ứng gậy ông đập lưng ông. Điều này đã được chứng minh bởi khi sáng kiến về liên minh lúa gạo ASEAN của Việt Nam rơi vào tay Thái Lan, Philippines, Myanmar thì chính sáng kiến ấy đang chống lại nền sản xuất lúa gạo nội địa.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, yếu tố phức tạp hoá hình thức kinh doanh ở Việt Nam hiện nay là một rào cản lớn khiến gạo Việt bị đứng ngoài. Việc hợp pháp độc quyền xuất khẩu gạo của hai tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (chiếm trên 80% thị phần gạo xuất khẩu) đã thu hẹp đầu ra của gạo Việt, hành chính hoá việc xuất khẩu gạo.
Trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh diễn ra từng phút, từng giây, chưa kể việc đa dạng hoá các lựa chọn sẽ dễ dàng kích thích nhu cầu của thị trường. Với sản lượng gạo xuất khẩu có lúc vượt mốc bảy triệu tấn/năm thì việc chỉ trang bị “hai cửa đầu ra” đã đi ngược lại với lợi ích chung.
Đó là chưa tính đến thiệt hại do Nhà nước phải bù lỗ cho việc thu mua lúa gạo. GS Võ Tòng Xuân, trước thực trạng gạo rớt giá đã phải thốt lên: “độc quyền, giá gạo sẽ còn rớt thê thảm”.
Chính phủ Philippines chính thức quyết định cho phép khu vực tư nhân nhập khẩu toàn bộ lượng gạo từ năm 2012. Một số thị trường truyền thống như Malaysia, Indonesia cũng theo giải pháp tương tự.
Điều này khiến quy trình hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia này xuất hiện sự bất đối xứng về đối tượng đàm phán, phạm vi đàm phán lẫn cơ hội đàm phán.
Gạo Việt không ra rìa nếu Việt Nam sớm thay đổi. Những cảnh báo về quản lý độc quyền xuất khẩu gạo cùng sự trễ nải trong khâu ban hành chính sách đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ rất sớm.
Từ đầu năm 2011, nghiên cứu của Công ty cổ phần Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN) chỉ rõ tính độc quyền ngày càng lộ diện trước chính sách điều tiết lúa gạo tại Việt Nam.
Việt Huế (Theo SGTT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông