Săn lao động xuất ngoại
Trong khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án mới để hỗ trợ lao động nghèo cả nước có cơ hội đi làm việc nước ngoài, lãnh đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã trực tiếp xuống địa phương săn lao động thông qua những đơn hàng độc.
“Đút túi quần” xuất ngoại
Ông Phạm Đức An - Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông - Tranconsin (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trong tất cả các thị trường xuất khẩu lao động hiện nay, Malaysia là thị trường tiềm năng nhất.
Đây là thị trường phù hợp với số đông lao động Việt Nam, đòi hỏi trình độ trung bình và đặc biệt là chi phí trước khi đi rất thấp.
Theo ông An, thị trường Malaysia hiện có rất nhiều đơn hàng tốt, khi tham gia, người lao động chỉ cần “đút túi quần” là có thể xuất ngoại mà không cần phải nộp bất cứ một khoản phí nào.
Tập đoàn Vista Point - Mỹ có công ty tại Malaysia đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.000 lao động Việt Nam, với mức lương trung bình 7-9 triệu đồng/tháng.
Người lao động chỉ cần biết cộng trừ nhân chia và không bị bệnh mù màu, không phải nộp bất kỳ một chi phí nào trước khi đi. Ngoài ra, người lao động còn được tăng lương hàng năm, tiền thưởng hiệu quả công việc...
“Đây là đơn hàng được Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia đánh giá rất tốt, phù hợp với số đông lao động muốn xuất ngoại mà không có tiền ban đầu để nộp” - ông An cho biết.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong tại một số địa phương Nam Định, người lao động từ độ tuổi 18-35 chưa có việc làm, thu nhập bấp bênh chiếm tỷ lệ rất lớn.
Việc để lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tự kiếm việc làm là rất khó; trong khi đó, cánh cửa xuất ngoại đối với họ càng khó khăn hơn vì quá thiếu thông tin. Anh Nguyễn Ngọc Ánh - Bí thư Đoàn xã Hải Trung (huyện Hải Hậu, Nam Định) cho PV Tiền Phong biết, hiện toàn xã có hơn 700 đoàn viên, đa số đều khó khăn, việc làm chưa ổn định.
“Họ cũng rất muốn đi làm việc ở nước ngoài nhưng không có tiền để đóng trước khi đi và chưa hiểu lợi ích của việc tham gia xuất khẩu lao động” - anh Ánh nói.
Ông Nguyễn Phúc Thành - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Trung (huyện Hải Hậu, Nam Định) cho biết, thực ra không phải chỉ có lực lượng thanh niên đang gặp khó khăn về việc làm mà rất nhiều hội viên thuộc Hội phụ nữ xã cũng đang hết sức bấp bênh.
“Họ chủ yếu làm nông hoặc làm thủ công đơn giản, cũng muốn tham gia xuất khẩu lao động nhưng cái khó là không có tiền để lo các chi phí. Đi mà không nộp phí chính là cái người dân nghèo đang cần”- ông Thành nói.
Ông Trần Đình Chinh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Châu nói, nếu một người đi cho thu nhập tốt, không cần doanh nghiệp về tuyên truyền, các lao động khác chắc chắn sẽ tham gia vì thực sự họ thấy sự hiệu quả từ xuất khẩu lao động.
Người nghèo 63 tỉnh, thành phố có cơ hội xuất ngoại mới
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho PV Tiền Phong biết, Bộ đang xây dựng Đề án hỗ trợ lao động chính sách, người nghèo thuộc phạm vi 63 tỉnh, thành phố có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài.
Theo ông Quỳnh, nếu đề án được Thủ tướng phê duyệt, sẽ là cơ hội lớn để hàng ngàn lao động nghèo xuất ngoại.
Theo ông Quỳnh, hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đang gấp rút xây dựng văn bản hướng dẫn cũng như các chính sách hỗ trợ cụ thể để sớm trình Thủ tướng phê duyệt.
Ông Quỳnh cũng cho biết, trước mắt khi chưa có đề án, Cục khuyến khích các doanh nghiệp có những đơn hàng tốt hỗ trợ các lao động nghèo tham gia XKLĐ.
“Tới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiến hành tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến về chính sách xuất khẩu lao động tại các địa phương”- ông Quỳnh khẳng định.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Đẩy mạnh dịch vụ logistics hàng không để phát triển du lịch Việt Nam
2 ngày tung một sản phẩm mới, Vinamilk tiên phong đưa chuẩn thế giới về Việt Nam
Nhìn lại kinh tế Thủ đô - Bài 1: Cán đích hơn mong đợi
Ngành nông nghiệp cần tăng tốc