Pháp luật

Sản xuất rượu giả thì bị xử phạt thế nào?

(DNVN) - Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, tùy từng mức độ hành vi vi phạm mà việc sản xuất rượu giả có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính.

BLHS hiện nay không có quy định riêng đối với hành vi sản xuất rượu giả mà chỉ có quy định chung về tội sản xuất hàng giả được quy định tại điều 156 BLHS 1999.

Sản xuất các mặt hàng rượu giả sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh minh họa. 

Theo đó: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2, khoản 3 thì mức phạt tù có thể lên đến mười năm (khoản 2), mười lăm năm (trường hợp khoản 3). 

Nếu số lượng hàng giả tương đương với số lượng hàng thật dưới ba mươi triệu đồng hoặc không thuộc các trường hợp nêu trên thì người vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa theo quy định tại Điều 14 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Cụ thể: a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

 

c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Nên đọc
Hồng Hà ghi
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo