Tài chính - ngân hàng

Sản xuất tại các nền kinh tế lớn vẫn yếu

Các số liệu mới công bố cho thấy hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng Sáu vẫn gặp khó khăn, một phần đều do nhu cầu bên ngoài yếu, bên cạnh những vấn đề nội tại của mỗi nền kinh tế.

Theo điều tra mới nhất của hãng nghiên cứu Markit, trong quý II/2013, hoạt động chế tạo tại Mỹ được cho là thấp nhất trong 4 quý, cho thấy con đường phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới là không bằng phẳng. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng và tình hình suy thoái kinh tế ở Eurozone có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định kinh tế Mỹ sẽ bứt lên trong nửa cuối năm nay, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu, nếu tăng trưởng kinh tế vững vàng và tỷ lệ thất nghiệp giảm.

 

Trong khi đó, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tổng hợp của Eurozone trong tháng Sáu theo khảo sát sơ bộ của Markit tăng từ 47,7 điểm trong tháng Năm lên 48,9 điểm, cao nhất kể từ tháng 3/2012, song vẫn dưới ngưỡng 50, cho thấy hoạt động chế tạo tại khu vực này đã giảm hầu hết các tháng trong 22 tháng qua. Theo Markit, với số liệu PMI này, kinh tế Eurozone có thể giảm 0,2% trong quý II. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc phải hành động nhiều hơn để có thể nhanh chóng chấm dứt đợt suy thoái kéo dài kỷ lục ở khu vực.

 

Với Trung Quốc, báo cáo sơ bộ của Ngân hàng thương mại HSBC công bố ngày 20/6 cho thấy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua, làm gia tăng quan ngại về tình hình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. PMI trong tháng Sáu chỉ đạt 48,3 điểm, thấp hơn mức 49,2 điểm của tháng Năm, đồng thời là thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, do nhu cầu bên ngoài suy yếu, nhu cầu nội địa khiêm tốn, trong khi sức ép giải phóng hàng tồn kho gia tăng.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo