Thị trường

Sản xuất thép không cần đào quặng

Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng đang lập Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tinh quặng sắt, sắt xốp, thép từ bùn đỏ với nguyên liệu đầu vào là bùn đỏ của Nhà máy alumin Lâm Đồng.

Dự án của CTCP Thương mại Thái Hưng sẽ sản xuất tinh quặng sắt, thép từ bùn đỏ của Nhà máy alumin Lâm Đồng

Dự án này được lập trên cơ sở kết quả của Đề tài xây dựng quy trình công nghệ sản xuất tinh quặng sắt, sắt xốp, thép, gạch không nung từ bùn đỏ do Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, với sự thực hiện của Viện Hóa học (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Kinh phí để thực hiện Dự án là 13,5 tỷ đồng, trong thời gian 36 tháng. Đề tài đã được Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng hỗ trợ thử nghiệm trên quy mô công nghiệp từ 42 đến 200 tấn bùn đỏ.

 
Kết quả nghiên cứu Đề tài đang được Viện Hóa học sử dụng để đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế “Quy trình sản xuất sắt xốp từ bùn đỏ”.
 
Là bã thải của quá trình sản xuất nhôm từ quặng bauxite theo phương pháp Bayer, do tính kiềm cao và lượng bùn thải lớn, bùn đỏ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được quản lý tốt. Dẫu vậy, trong bùn đỏ lại có chứa hàm lượng sắt cao. Tại Dự án alumin Lâm Đồng, hàm lượng Fe2O3 dao động từ 46% đến 53% và đây chính là loại quặng sắt nghèo, có khối lượng lớn có thể phục vụ sản xuất gang và thép.
 
Với quy hoạch phát triển bauxite ở Tây Nguyên, hai nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai có lượng bùn đỏ thải ra là 1,2 - 1,3 triệu tấn/năm.
 
Nhằm bảo vệ môi trường và phát triển ngành công nghiệp chế biến, khai thác bauxite tại Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững, việc nghiên cứu các giải pháp công nghệ xử lý bùn đỏ thành các sản phẩm hữu ích như thép, vật liệu xây dựng không nung... phù hợp với điều kiện Việt Nam được Chính phủ đặc biệt coi trọng trong quá trình triển khai thí điểm hai dự án khai thác bauxite trên.
 
Viện Hóa học đã tiến hành xây dựng công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ với quy mô phòng thí nghiệm từ năm 2009. Sau hơn 2 năm nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, với sự hợp tác của Công ty cổ phần Thép Thái Hưng, năm 2012, nhóm nghiên cứu do TS. Vũ Đức Lợi chủ trì đã từng bước nâng trọng lượng mỗi mẻ thử nghiệm quy mô phòng thí nghiệm từ 1 tấn, 2,5 tấn, 5 tấn, rồi 10 tấn bùn đỏ. Qua từng mẻ, công nghệ được điều chỉnh, hiệu suất thu hồi sắt không ngừng tăng lên. Đến mẻ chạy thử 20 tấn và 200 tấn bùn đỏ mới đây, thu hồi sắt đã đạt hơn 70%.
 
Kết quả sản xuất trên quy mô công nghiệp cho thấy, từ 2,4 tấn bùn đỏ khô sẽ thu được 1 tấn tinh quặng sắt có hàm lượng T-Fe 62% với giá thị trường khoảng 1,9 triệu đồng/tấn. Như vậy, với chi phí khoảng 1,4 triệu đồng/tấn, cộng thêm chi phí bảo vệ môi trường, sáng chế, khấu hao máy móc... thì kết quả trên hứa hẹn một hướng đi nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành công nghiệp alumin - nhôm cũng như xử lý tốt hơn vấn đề môi trường.
 
Với các kết quả này và thực tế Công ty Thái Hưng đang lập Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tinh quặng sắt, sắt xốp, thép từ bùn đỏ với nguyên liệu đầu vào là bùn đỏ của Nhà máy alumin Lâm Đồng, xem ra, câu chuyện bùn đỏ từ quá trình chế biến quặng bauxite sẽ không còn là nỗi ám ảnh. Thậm chí, đây sẽ là một nguồn tài nguyên mới cho những doanh nghiệp biết tận dụng.
 
Hai dự án khai thác và chế biến quặng bauxite Tân Rai và Nhân Cơ hiện cũng được Bộ Công thương tìm kiếm các cơ chế liên quan để sớm hoàn vốn, phục vụ mục tiêu cổ phần hóa trong thời gian tới.
 
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo