Sản xuất, tiêu thụ nông sản: Vẫn đùn đẩy trách nhiệm!
Trong khi nông sản, trái cây làm ra bị ùn ứ, không tiêu thụ được, bị rớt giá hoặc thậm chí đổ bỏ thì các bộ ngành, doanh nghiệp (DN), địa phương lúc này vẫn đổ lỗi và đẩy trách nhiệm cho nhau...
Ngày 14.5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT tiếp tục tổ chức hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất tiêu thụ rau quả trái cây theo hướng bền vững.
Doanh nghiệp kêu khó, đòi ưu đãi…
Ông Lê Văn Ánh-Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, mục tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) trái cây đều đạt. Tăng trưởng XK mặt hàng này đạt 20%/năm, với 1,4 tỷ USD thu về năm 2014 và năm nay dự kiến tăng tiếp 15-20%. Tuy nhiên, có một thực tế, theo ông Ánh là cơ cấu XK trái cây không thay đổi suốt mấy chục năm. Năm nào cũng vậy cứ tháng 4 là dưa hấu tắc và tới đây vải thiều cũng sẽ lại tắc. “Rau quả mang tính mùa vụ là tất yếu, cứ đến vụ là rộ lên nếu XK không theo kịp là tắc”-ông Ánh nói.
Ông Ánh nêu rằng, chúng ta đang thiếu trầm trọng mắt xích liên kết các khâu từ sản xuất, gieo trồng, chế biến, lưu thông, tiêu thụ. Nhà nước mới chỉ ưu tiên, miễn thuế cho nông dân còn “mắt xích” chế biến, lưu thông, XK là DN thì rất ít. “Hãy cho DN cũng được miễn thuế thu nhập, giảm cước để DN giảm được chi phí, cũng là gián tiếp hỗ trợ nông dân để tiêu thụ nông sản tốt hơn, hỗ trợ được cho nông dân”-ông Ánh kiến nghị.
Theo nhiều DN XK trái cây, các thị trường lớn như Mỹ, Úc đều mở cửa cho trái cây của Việt Nam từ vải, nhãn, thanh long, xoài... Tuy nhiên, các thị trường này- theo phản ánh của DN- đều chưa biết đến trái cây của ta “mặt ngang mũi dọc” thế nào.
“Việc tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm vải thiều vào các thị trường lớn như Úc, Mỹ chưa có gì dù cả 2 thị trường này đã mở cửa cho vải thiều Việt Nam. Vietnam Airline mới đây đã tuyên bố giảm cước cho vải thiều xuất sang Mỹ nhưng DN cũng không hào hứng vì sản lượng vải vụ này lên tới 200.000 - 250.000 tấn, nếu xuất 20 tấn/chuyến mà bay cả tháng thì cũng chỉ xuất được 60 tấn vải. Với các chi phí từ chiếu xạ, đóng gói… thì dù có được giảm cước máy bay, DN XK cũng vẫn lỗ cầm chắc”-ông Ánh nói.
Nói vậy để thấy, với tiêu thụ trái cây và trước mắt là trái vải tới đây thì Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính. “Các bộ ngành, địa phương có cách gì mở thêm điểm thông quan cho hàng đi nhanh hơn? Lượng xe vải thiều lên cửa khẩu tới đây có thể đáp ứng từ 150-170 xe (1 xe là 10 tấn) không? Trái cây đã qua sơ chế, chế biến 100% rồi có cần chúng ta kiểm dịch để giảm bớt các chi phí, thủ tục cho DN không?... Đây là những câu hỏi liên tục được các DN đặt ra.
Giải pháp: Lúng túng, đổ lỗi, đẩy trách nhiệm
Ông Trương Quang Hoài Nam-Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng, nông sản, trái cây ùn ứ khó tiêu thụ là do “vướng” khoa học công nghệ, bởi 20 năm nay, tổn thất sau thu hoạch với nông sản trái cây vẫn 25-30%, không cải thiện được. Bộ KHCN lẽ ra quan trọng nhất trong sản xuất tiêu thụ nông sản thì lại “không được phân công gì”. “Chúng ta đã từng đề cập tới phòng thí nghiệm công nghệ Nhật Bản cách đây nhiều năm có thể giúp bảo quản trái cây tươi 10 năm không hỏng, ai cũng phấn khởi nhưng đến nay không thấy động tĩnh gì”- ông Nam trăn trở.
Cũng theo ông Nam, nếu khoa học công nghệ giúp giảm được 30% tổn thất này thì không cần Vietnam Airline giảm cước, trái cây của Việt Nam vẫn xuất đi Mỹ, Úc tốt. Vì thế, cần một chính sách rõ ràng đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch, bởi kéo theo đó thì vận tải, XK sẽ thay đổi được. Ông Nam than thở rằng, nhìn quả xoài mà thấy rất tiếc. Xoài ở Cần Thơ ăn ngọt lịm nhưng chuyển ra đến Hà Nội đã hỏng hết nên có chở lên biên giới thì cũng chỉ có đổ đi. “Chúng tôi mong các bộ ngành giúp kêu gọi DN đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch giúp nông dân”-ông Nam kiến nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh thì than thở: Chúng ta không biết thông tin thị trường Trung Quốc mua bán kiểu gì. Họ tiêu thụ hàng của ta như thế nào. “Bộ Công Thương phải có dự báo ngắn hạn, dài hạn cho các địa phương để chúng tôi còn có hướng sản xuất cho nông dân không thì cứ thấy Trung Quốc mua là ồ ạt trồng, rồi họ không mua lại không biết bán cho ai”-ông Thanh nói.
Nhận trách nhiệm cung cấp thông tin thị trường song Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lại đặt ngược câu hỏi: Vai trò địa phương ở đâu trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp?! Chúng ta có quy hoạch nhưng địa phương đã làm đúng theo quy hoạch chưa? “Các bộ không thể với tay đến nông dân được. Nếu chúng ta cứ phá vỡ quy hoạch thế này thì…”-ông Tuấn Anh nói lấp lửng.
Ông Tuấn Anh cũng phàn nàn rằng, đúng là Bộ Công Thương có trách nhiệm cung cấp thông tin nhưng đối tượng sử dụng và cơ chế phối hợp thông tin như thế nào không rõ. Ông Tuấn Anh ví dụ vụ dưa hấu, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các địa phương đánh giá sản lượng, thời gian thu hoạch dưa để điều tiết ở biên giới nhưng không có phản hồi nào cả mà Bộ phải nắm thông tin từ báo chí và qua thực tế.
Ông Tuấn Anh cũng kết luận việc đầu tư bảo quản sau thu hoạch là trách nhiệm của các địa phương. “Tôi hỏi bao nhiêu phần trăm kinh phí các địa phương đầu tư cho khâu này? Không có hệ thống bảo quản, phân phối đủ mạnh ở địa phương thì khó hỗ trợ cho tiêu thụ nông sản”-ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo Dân Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo