Pháp luật

Sao bị can tội tham nhũng tâm thần nhiều thế?

Giám định tư pháp là một trong những vấn đề nổi cộm được đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp ngày 15-9 thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014.

Ông Đỗ Văn Đương - Ảnh: Việt Dũng

Báo cáo của Chính phủ cho biết trong năm qua ngành thanh tra đã phát hiện 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng; lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng (trong đó khởi tố mới 256 vụ, 593 bị can); thiệt hại do tham nhũng là trên 6.000 tỷ đồng (đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 700 tỷ).

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận: số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời; trong một số vụ án tham nhũng, việc phối hợp đánh giá chứng cứ, tội danh giữa các cơ quan tố tụng chưa thật chặt chẽ...

Đặc biệt, nhân dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bình luận về báo cáo của Chính phủ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương nói rằng “qua báo cáo thì tôi thấy tình hình tham nhũng tương đối ổn định, thể hiện qua con số báo cáo tăng, giảm không đáng kể”. Ông cho rằng những nguyên nhân, kiến nghị trong báo cáo vẫn chung chung, không khác báo cáo năm trước là mấy. Không nêu trường hợp cụ thể, nhưng ông Đương nói dư luận bức xúc, đặt vấn đề hoài nghi tại sao có những vụ án tham nhũng bị can lại bị tâm thần, sau đó được miễn trách nhiệm hình sự?

Thừa nhận tình trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói: Dư luận đặt ra có phải ông đó tâm thần không? Vấn đề là tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế? Người ta bảo khi giám định là tâm thần nhưng giải quyết việc gia đình, trao đổi với vợ con, bạn bè lại rất bình thường. Dân người ta rất quan tâm vấn đề này. Ngành y tế nghĩ gì về công tác giám định?" Phó viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng trong công tác giám định tư pháp hiện nay thì vướng nhất là các giám định viên không chuyên trách, không được tổ chức chuyên nghiệp.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm Trần Đăng Yến nói thẳng: “Cứ mỗi vụ chúng tôi lại phải đi trưng cầu ở chính cái bộ, cái ngành ấy nên rất khó”. Cả ông Phong và ông Yến đều đề nghị phải thay đổi cách thức, cơ chế, tổ chức về giám định tư pháp hiện nay.

Đề cập đến vấn đề này, báo cáo của Chính phủ chỉ ra hàng loạt bất cập: “Công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập, thời gian giám định dài, kinh phí chi trả giám định lớn, kết luận giám định không thực sự rõ ràng, phải trưng cầu giám định nhiều lần, năng lực chuyên môn của giám định viên hạn chế…”.

Theo Tuổi Trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo