Pháp luật

Sao phải dùng những lời lẽ mang tính miệt thị như vậy?

Khi chúng ta không cần nhau nữa thì thiết nghĩ cũng nên chia tay một cách có văn hóa chứ chẳng nên dùng những lời lẽ mang tính miệt thị như vậy.

 “Tại sao không chọn giải pháp đuổi người? Sao không đuổi bớt công nhân?”... Đây là các giải pháp mà những người được cho là “chuyên gia hàng đầu” trong lĩnh vực kinh tế-tài chính- ngân hàng đặt ra trong một chương trình cũng khá nổi tiếng vừa phát trên tivi.

 
Đương nhiên một doanh nghiệp gặp khó khăn thì người điều hành phải nghĩ ra giải pháp để tháo gỡ. Có nhiều cách, trong đó có cắt giảm lao động. Đây là cách mà nhiều doanh nghiệp đã sử dụng, lúc bình thường cũng như lúc khó khăn khi sức lao động trở thành hàng hóa và hai bên đối xử với nhau trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, thuận mua vừa bán.
 
Trong hệ thống pháp luật lao động Việt Nam, khi muốn cho người lao động nghỉ việc, tùy trường hợp mà quy định cho phép “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”, “cho người lao động nghỉ việc”, “cắt giảm lao động”, “không bố trí được việc làm phải cho nghỉ”.... Thậm chí trường hợp xấu nhất là người lao động vi phạm kỷ luật lao động với mức nặng nhất thì sẽ bị xử lý với hình thức cao nhất là “sa thải”.
 
 
 
Không có chỗ nào trong các quy định của pháp luật lao động dùng từ “đuổi” để chỉ hành vi cho người lao động nghỉ việc vì bất cứ lý do gì. Thế mà “các chuyên gia hàng đầu” đã thản nhiên đưa ra giải pháp “đuổi công nhân” trong giáo trình dạy người ta kinh doanh và xem đó là một trong những “chìa khóa thành công”.
 
Thú thật, khi nghe lần đầu, tôi ngạc nhiên, nghe lần thứ hai tôi bị sốc, nghe lần thứ ba thì tôi phẫn nộ. Thông thường người ta chỉ đuổi kẻ xấu, đuổi những kẻ gây phiền phức cho mình, đuổi những thứ không mời mà đến... Thế mà ở đây, các chuyên gia lại đòi “đuổi” thứ mà họ luôn miệng gọi là “vốn quý nhất” của doanh nghiệp.
 
Điều đó khiến người ta có quyền suy luận rằng rất có thể trong nhận thức của họ, người lao động vốn dĩ là thấp kém nên ứng xử với họ cũng không cần phải dùng những từ ngữ thanh cao, đẹp đẽ?
 
 
 
Chúng tôi là những người lao động bình thường. Điều đó không có nghĩa là phẩm giá của chúng tôi thấp kém hơn những ông chủ, bà chủ hay các chuyên gia này nọ... Khi chúng ta không cần nhau nữa thì thiết nghĩ nên chia tay một cách có văn hóa chứ chẳng nên dùng những lời lẽ mang tính miệt thị như vậy.
 
“Đuổi công nhân”, đó là cách nói của những người học cao mà văn hóa thấp. Nếu đã đứng ở vị trí “người rao giảng” thì xin các “chuyên gia hàng đầu” phải dùng từ ngữ chuẩn mực chứ không nên hàm hồ, tùy tiện...
 
Theo NLĐ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo