Sập bãi thải mỏ than ở Thái Nguyên: Tai họa báo trước
Hai ngày sau thảm họa, người nhà của 5 nạn nhân xấu số trong vụ sạt lở kinh hoàng ở bãi phế liệu Phấn Mễ (Phục Linh, Đại Từ, Thái Nguyên) vẫn bám hiện trường với những hy vọng mong manh. Cho đến 18h hôm qua 16/4, vẫn chưa thể tìm kiếm thêm được nạn nhân nào trong vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ.
Gần 300 cán bộ chiến sĩ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh Thái Nguyên và lực lượng tại chỗ vẫn nỗ lực tìm kiếm dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Đặng Viết Thuần. Những vị trí nghi có nạn nhân được các đơn vị cứu hộ đánh dấu và tiến hành đào bới. Tuy nhiên vẫn chưa tìm được nạn nhân nào mặc dù đã xác định được vị trí móng nhà cũ.
Do khối lượng đất đá và than phế thải ước tính lên đến hàng chục ngàn m3 nên không thể dùngphương án dùng chó nghiệp vụ để đánh hơi vị trí nạn nhân. Ban Chỉ đạo cứu hộ đã mời Công ty Cổ phần Nghiên cứu Môi trường địa chất và bảo vệ sức khỏe mang máy dò tìm địa chất bức xạ các và chuyên gia người Australia vào cuộc.
4 người trong một nhà bị nạn
Ngày 16/4, giữa trưa nắng chang chang, em Nguyễn Văn Khánh làm một mâm cơm đặt ở một mỏm đá trên đống đổ nát để cúng mẹ, bà Trần Thị Thiện (SN 1958). Ngôi nhà của hai mẹ con giờ chỉ còn là một bãi phế liệu đổ nát chất cao như núi. Mồ côi cha ngay từ mới lọt lòng, học hết THCS, Khánh xuống TP.Thái Nguyên học nghề cơ khí và làm thuê. Sáng sớm 15/4, đang chuẩn bị đi làm thì Khánh nhận được hung tin.
Dưới đống phế thải ấy còn có bốn người trong một gia đình: Nguyễn Thị Hoàn (SN 1962, chủ hộ), ông Nguyễn Văn Hà (SN 1968 là em trai bà Hoàn), cháu Nguyễn Văn Quốc (SN 1991 là con trai bà Hoàn) và cháu Nguyễn Văn Quân (SN 1995 là con trai thứ 2 của bà Hoàn).
Nghe được tin hai em và các cháu bị nạn, người chị cả Nguyễn Thị Huệ khóc ngất trước mâm cơm cúng mà vẫn không tin vào sự thật: "Các em, các cháu ơi, điều gì đã xảy ra thế này?". Cả hai ngôi mộ của bố mẹ họ gần đó cũng không còn dấu vết.
Đối với những người dân xóm Khuôn I, xã Phục Linh, Đại Từ, Thái Nguyên thì đêm 15/4 được coi là "đêm kinh hoàng". Những người may mắn thoát chết trong đêm kinh hoàng vẫn còn chưa hết rùng mình khi nhớ lại.
"Khi ấy, trời còn đang đêm và cả xóm còn đang chìm trong giấc ngủ. thì bị đánh thức bởi một tiếng động kinh hoàng, mặt đất ầm ầm rung chuyển. Khi định thần lại, chúng tôi mới thấy một cảnh tượng kinh hoàng khi một góc xóm với cả chục hộ dân đã bị khối đất đá khổng lồ vùi lấp", bà Ninh Thị Hoa một người dân xóm Khuôn I vẫn chưa hết sợ hãi, nói.
Hiện trường vụ sạt lở rộng hơn 100m, chôn vùi hơn chục ngôi nhà và bốn ha chè, hoa màu, ước tính tổng thiệt hại khoảng 15 tỉ đồng.
Khẩn trương di dời
Đây không phải là lần đầu tiên người dân xã Phục Linh, Đại Từ, Thái Nguyên chịu cảnh sạt lở kinh hoàng từ bãi phế thải khổng lồ Phấn Mễ do Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên chủ quản. Hiện tượng sạt lở đã từng diễn ra hai lần một lần năm 1998 và năm 2006. Bãi phế liệu Phấn Mễ đã hình thành cách đây 67 năm. Riêng bãi phế liệu số 3 (nơi xảy ra sạt lở) hình thành cách đây 10 năm.
Cách đây không lâu, tại mỏ than Phấn Mễ, một vụ tai nạn nghiêm trọng cũng đã xảy ra vào chiều 29/4/2011. Vụ nổ xảy ra tại giếng khai thác có độ sâu hơn 100m. Một công nhân là Phạm Bá Phương (SN 1979) tử vong tại chỗ. Một công nhân khác là Trần Như Long bị bỏng sâu và phải đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, theo những người dân xã Phục Linh, sự việc nổ giếng than xảy ra chưa được bao lâu, đơn vị khai thác lại tiếp tục cho khai thác tận thu.
"Do tai nạn đã diễn ra nhiều lần và được cảnh báo có nguy cơ sạt lở nhưng chưa được di dời nên nhiều hộ dận sống cạnh núi phế liệu Mễ Phấn luôn luôn trong tâm trạng lo lắng, sống trong sợ hãi" - ông Trần Văn Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phục Linh cho biết.
Ông Vũ Văn Bằng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường (Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), nhận định: Đơn vị khai thác đã không có sự tính toán về hầm mỏ như trữ lượng, phương thức khai thác và phương án đổ thải đến sự an toàn của người dân. Phế liệu từ than là vật liệu rời phải đổ ra thung lũng hoặc phải có đập chắn, không thể đổ bừa bãi thành núi như bãi Phấn Mễ.
Điều đáng nói là đã có cảnh báo về nguy cơ sạt lở thì phải di dời dân ngay và từ lâu rồi. “Việc di dời đã tính nhiều lần nhưng còn vướng người dân thì không đồng ý đến phương án đền bù còn phía chính quyền cũng chưa tính toán và cho phương án rõ ràng”, ông Phạm Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên biện minh.
Ông Đặng Viết Thuần nhấn mạnh: "Công tác cứu hộ cứu nạn được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi tập trung toàn bộ nhân lực và vật lực tìm kiếm những nạn nhân còn bị vùi lấo. Hy vọng sống sót của những nạn nhân là không còn tuy nhiên có tuyệt vọng thì vẫn cứ phải đào đến cùng. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cũng đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát lại tất cả mỏ trên địa bàn, di dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Nếu gia đình nào không thực hiện, sẽ kiên quyết cưỡng chế".
Theo ĐV
End of content
Không có tin nào tiếp theo