Pháp luật

Sập bẫy vì thích làm giàu siêu tốc

Không cần học hành, thời gian, vốn liếng, nhưng vẫn có thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng/tháng, thậm chí kể cả không làm việc thì tiền vẫn chảy về tài khoản… Đó là những lời rao giảng của nhân viên Công ty CP liên minh tiêu dùng Việt Nam (Vietnet) khi kêu gọi mọi người tham gia.

Mô hình tháp ảo?

Theo tìm hiểu của NTNN, trong “giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp” (Số: 20- 03- 00001, do Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cấp ngày 21.6.2013), Công ty CP liên minh tiêu dùng Việt Nam chỉ có 3 mặt hàng được tổ chức bán đa cấp đó là: Thực phẩm chức năng CalSoft; thực phẩm chức năng CordyP A+; thực phẩm chức năng Angel đều có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, trong hệ thống bán hàng của Vietnet, thì có tới 8 sản phẩm (chính): CordyP A+; Angel; CalSoft (3 sản phẩm này đều có xuất xứ từ Công ty CP Tảo Lục); cao hồng sâm Hàn Quốc (xuất xứ Công ty Hàn Quốc); hoa thanh xuân (xuất xứ Tập đoàn Y học cổ truyền Đài Loan); dầu cá Alaska GolDen (của Mỹ); trà giải độc gan (của Vietnet); phân bón vi sinh USA (của Hoa Kỳ)… đều bán dưới hình thức đa cấp.

 
Những thủ lĩnh (kiếm được nhiều tiền nhất) của một công ty bán hàng đa cấp.
 

Công ty này sử dụng sơ đồ nhị phân (2 nhánh) để tổ chức quản lý cũng như trả hoa hồng, trả thưởng cho các cộng tác viên (CTV). Sơ đồ này được sử dụng với những ngôn từ hoa mỹ, thông qua các CTV như: “Người đi trước giúp người đi sau bằng cách thả các mã xuống dưới chân người đi sau, để người đi sau làm việc ít, chưa có kinh nghiệm, hoặc không phải làm việc sẽ vẫn có hệ thống, vẫn có tiền”. Các CTV của Vietnet thường xuyên khuyên người mới tham gia đầu tư ít nhất 3 mã, để 2 mã “không phải làm việc mà sau này vẫn có tiền”.

Cách trả hoa hồng của Vietnet là: Khi 2 chân đều đạt cân 100 mã sẽ được thưởng 70 triệu và hưởng 6 tháng lương cứng liên tiếp trị giá 3 triệu/tháng. Như vậy CTV không làm gì mà vẫn có tiền. Điểm “độc đáo” nữa là, kể cả không cần mời được người mới, thì bạn vẫn có thể có mã phía sau “rơi” vào vì cách nạp mã trên hệ thống tự động của phần mềm Vietnet. Cách mời chào này càng khiến cho người hám lợi tự nguyện nộp tiền “nạp mã” vào Liên minh. Tuy nhiên, với cách trả hoa hồng cân hai chân (mỗi bên 100 mã) của Vietnet, phần lớn các CTV rất khó có thể cân 2 chân. Chính vì vậy, rất nhiều tiền do các CTV phát triển mạng lưới người tiêu dùng hoặc đầu tư mua hàng chảy vào túi công ty và những “thủ lĩnh mánh khóe”. Có thể thấy, với những loại hình kinh doanh đa cấp thông thường, hoa hồng phát sinh khi hàng hóa được bán, còn với mô hình kinh doanh của Vietnet, không cần làm gì cũng có lương.

Bỏ trăm triệu, chờ “tri ân”

Bà Trường – Phó Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Thường Xuân cho biết: “Hiện gia đình tôi đã mua 21 sản phẩm đến nay đã được lên cấp trưởng nhóm và đã lấy được khoảng 140 triệu đồng tiền lương”. Nhưng trên thực tế, để có được số “điểm” lên mức trưởng nhóm và mua 21 sản phẩm, bà đã bỏ ra 177.450.000 đồng. Hay như bà Tùng, mua 100 gói sản phẩm với giá 845 triệu đồng mới được “tri ân” khoảng gần 300 triệu đồng.

Gọi là “bán hàng” nhưng những người tham gia hệ thống Vietnet gần như không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, giá trị thực, giá cả, thậm chí là đầu tư hàng chục triệu đồng mà chưa cần lấy sản phẩm để sử dụng hay để bán... mà chỉ cần ghi thêm “VI” để có nhiều tiền… Với họ, chỉ cần lôi kéo, dụ dỗ được nhiều người tham gia nhiều mã càng nhanh, càng tốt. Tương lai xán lạn được vạch ra là: Dù hàng tháng không có lương, nhưng chỉ vài năm sau tiền tỷ lại chảy về túi một cách nhẹ nhàng.

Anh Lương Văn Thiên – một thành viên đã lên đến chức danh trưởng nhóm, tiết lộ: “Bây giờ, mỗi tháng một mình em tiêu khoảng vài chục triệu đồng chẳng thấy thấm tháp vào đâu. Khi mới bắt đầu làm (cuối tháng 1.2013) lương em chỉ được khoảng 3 – 10 triệu. Nhưng 2 tháng nay, mỗi tháng em đút túi 90 triệu đồng. Em cũng đang phấn đấu để sang năm mua ô tô”. Do thấy dễ “kiếm”, Thiên cũng đã đưa em trai và một số người thân quen của mình vào hệ thống. Chị Nguyễn Thị Loan - một quản lý ở Nghệ An cho biết: “Dù mình đang có bầu không làm được gì, nhưng mỗi tháng cũng kiếm khoảng 100 triệu đồng là bình thường. Giờ có đầu tư xin việc cũng phải mất cả trăm triệu mà lương chẳng đáng là bao. Vậy tại sao mình không vào Liên minh cho nó thoải mái, thu nhập lại cao”.

Những người có mặt ở Văn phòng Vietnet Thanh Hóa, ai cũng “khoe” mình thu nhập cao dễ như trở bàn tay chỉ trong vòng vài tháng để nhằm thu hút thêm người mới tham gia. Họ cũng không quên “nhồi sọ” người khác đến yếu tố nạp tiền tốc độ phải nhanh. Bởi bản chất, nếu không có người mới tham gia, các “cấp trên” sẽ không có nguồn thu.

Thế nhưng, khi ký “hợp đồng hợp tác bán hàng” hầu hết các CTV không hề đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng. Điều 1 trong hợp đồng của các CTV ký ghi rõ: “Thời gian hợp tác là 1 năm. Kể từ ngày…”. Theo Vietnet hứa hẹn, khi mua 1 gói sản phẩm (8.450.000 đồng) trong Chương trình “Nối vòng tay lớn”, sẽ được 333 triệu đồng và 1 xe máy SH 125i/150i.

Tuy nhiên, không biết chính xác bao giờ CTV mới nhận được, có thể là sau 1 – 5 năm, hoặc lâu hơn nữa tùy thuộc vào việc làm ăn của Công ty. Vì thế, khi HĐ đã ký hết hiệu lực, thì số tiền mà chị Tuyết, chị Bình, bà Tùng… và hàng trăm CTV khác sẽ đi về đâu? Hệ thống mà bản thân những người này đã xây dựng sẽ chuyển cho ai?

Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cảnh báo mô hình kinh doanh tháp ảo thường khuyến khích người tham gia tốt nhất vào hệ thống từ lúc ban đầu, càng vào sau cơ hội càng thấp. Phí tham gia của mô hình bất chính này chính là tiền mua sản phẩm ban đầu, khoản tiền này sẽ được dùng để phân chia hoa hồng cho các cấp cao hơn. Khoản hoa hồng nhận được trong mô hình tháp ảo phụ thuộc chủ yếu vào vị trí mạng lưới cao hay thấp, trên đỉnh hay nằm dưới đáy. Điều quan trọng, chính sách của mô hình kinh doanh tháp ảo khiến những người bước vào hệ thống sau luôn nằm ở đáy và không thể thoát ra độc lập. 

Đăng ký 3, bán 8 là phạm luật

Luật sư Hoàng Ngọc Nga, Văn phòng Luật sư Hoàng Ngọc- Đoàn luật sư Thanh Hóa, cho rằng: “Nếu doanh nghiệp bán hàng đa cấp mà đăng ký 3 sản phẩm nhưng lại bán tới 8 sản phẩm là vi phạm pháp luật. Bởi, theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 14.5.2014, (có hiệu lực từ ngày 1.7.2014), quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, thì: Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp phải phù hợp với nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư”.

Cũng theo luật sư Hoàng Ngọc Nga, việc doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, là vi phạm quy định theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, luật sư Nga cảnh báo: “Hình thức huy động vốn của doanh nghiệp đối với những người tham gia bán hàng đa cấp là bất hợp pháp. Công ty bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm đào tạo cho công dân bình thường muốn tham gia bán hàng, được công ty cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo lớp bán hàng đa cấp. Hàng hóa mà công ty giao cho người bán hàng đa cấp đã được đào tạo, nếu trong một thời gian nhất định mà người bán không bán hết hàng (đang còn nguyên bao nguyên kiện, hạn sử dụng…), thì người bán hàng được phép trả lại công ty.

Tóm lại, những người tham gia bán hàng đa cấp hiện nay không nên nghe theo các hướng dẫn cũ; không phải đặt cọc tiền hàng; phải có giấy chứng nhận đào tạo chuyên môn nghiệp vụ bán hàng đa cấp; không nên nghe người ta thổi phồng lợi ích của việc mua, bán hàng đa cấp… bởi sẽ dễ dẫn đến việc bị lừa đảo, chiếm dụng vốn…”.

 

 

Theo Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo