Sắp khởi công gói thầu J3 thuộc dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành
Theo tin tức trên báo Vietnamplus, Ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, ngày 18/7, VEC sẽ tổ chức Lễ động thổ Gói thầu xây lắp J3 thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành.
Theo đó, gói thầu J3 có lý trình bắt đầu từ Km 29+264 (tiếp giáp gói thầu J2) đến Km32+450 (tiếp giáp gói thầu A5) với tổng chiều dài 3,186km gồm cầu Phước Khánh và cầu cạn qua huyện Cần Giờ (Tp.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Sumitomo Mitsui Construction Co., Ltd - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Liên danh Sumitomo - Cienco4).
Giá trúng thầu là hơn 3,92 tỷ yen Nhật và 2.844,7 tỷ đồng với thời gian thực hiện hợp đồng là 42 tháng.
Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc-Nam , được Bộ Giao thông Vận tải giao VEC làm Chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 57,1km, đi qua các tỉnh Long An, Tp.HCM và tỉnh Đồng Nai. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h.
Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành sẽ giúp cho giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP. Hồ Chí Minh, tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng đường cao tốc – quốc lộ, với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình và với Sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, Dự án góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, giảm thiểu tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa, rút ngắn hành trình từ tỉnh Long An đến tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại từ đó thúc đẩy phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp, cảng biển do các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại các tỉnh phía Nam.
Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Pênh, TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.
Được biết, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD). Trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách nhà nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển