Sạt lở ở An Giang: Vì sao hàng chục căn nhà bị cuốn trôi?
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng xác định vụ sạt lở trên sông Vàm Nao tỉnh An Giang khiến 16 căn nhà đổ ập xuống sông, thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng.
Tại đây, nhiều căn nhà mới xây mất hút dưới dòng sông, hàng loạt căn khác bị rạn nứt, kêu răng rắc, báo hiệu có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Các trụ điện đổ ngã, đường xá bị chia cắt, người dân khẩn cấp di tản ra trường học. Tại hiện trường chỉ còn lực lượng công an, quân sự và chính quyền địa phương ứng trực để xử lý sự cố, theo tin tức trên báo Phụ nữ TP. HCM.
Theo thông tin mới nhất từ UBND huyện Chợ Mới, đến chiều 23/4, đã có 106 hộ dân và 1 nhà máy trong vùng sạt lở di dời được tài sản đến nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện khu vực sạt lở đã lan rộng, xuất hiện 1 hố xoáy dài 380 m, ngang 120 m, độ sâu 42 m, do đó khả năng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra.
UBND tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở đất bờ sông Vàm Nao. Chứng kiến căn nhà bỗng dưng biến đi như trong một giấc mơ, ông Nguyễn Văn Nhựt rơm rớm nước mắt nói: “Bao nhiêu tiền tích cóp dành dùm cả đời mới cất được cái nhà, giờ chúng tôi mất hết. Gom được chút tài sản, tôi gửi nhà người quen, giờ cảnh sống lang thang, ăn cơm từ thiện".
Nghe tin bà con bị sạt lở nặng, ảnh hưởng đến nhà cửa, sinh hoạt đời sống, ngày 23/4, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi cùng lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh đã đến thăm hỏi, hỗ trợ các hộ dân có nhà ở bị sạt lở nghiêm trọng.
Cao điểm vụ sạt lở qua đi nhưng hiểm họa vẫn rình rập, theo kết luận của Trung tâm quan trắc - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, sạt lở có thể tiếp tục ăn sâu vào bờ thêm 15m, rộng thêm mỗi bên, nâng tổng chiều dài cảnh báo là 260m.
Khi xảy ra vụ sạt lở, lãnh đạo địa phương, các cấp, các ngành trong tỉnh An Giang đã kịp thời có mặt để cảnh báo, di dời tài sản và di chuyển người dân ra khỏi vùng sạt lở, đồng thời có biện pháp hỗ trợ bà con kịp thời. Ngày 23/4, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang đã có mặt trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở, báo Pháp luật Việt Nam đưa tin.
Theo đó, xác định nhiệm vụ cấp bách là phải di dời bà con ra khỏi nơi nguy hiểm, nắm bắt và giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng người dân khu vực bị sạt lở. Đặc biệt là vấn đề ăn ở, y tế và học hành.
Theo bà Xuân, di dời bà con qua trường học, chùa chỉ là giải pháp tạm thời. Trong điều kiện nắng nóng tại các mái lều che tạm cũng dễ nảy sinh các vấn đề dịch bệnh, vệ sinh..., nên ngành y tế cần phải quan tâm và có biện pháp kịp thời. Theo đó, Bà Xuân yêu cầu, “di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm thêm 100m để đảm bảo an toàn cho người dân”.
Tính đến cuối ngày 24/4, lực lượng chức năng đã chi dời 107 hộ dân và 1 nhà máy ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhằm đảm bảo ổn định nơi ở cho bà con, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND huyện bố trí 105 hộ vào sinh sống tại khu dân cư.
Vì trong phạm vi sạt lở có Trường tiểu học A Mỹ Hội Đông nên lãnh đạo địa phương đã thống nhất với nhà trường cho học sinh tạm thời đóng cửa để đảm bảo an toàn cho các em. Đồng thời, lên kế hoạch đưa các em đến điểm phụ học tập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo