Sát tết, đại gia nhập viện trốn nợ
Bị ngã chỉ hơi xây xát nhưng ông Tuấn nằng nặc đòi nằm viện, cả bác sĩ và người nhà cũng ngỡ ngàng. Không ai trong số họ biết rằng, âm mưu nhập viện của ông Tuấn là trốn nợ.
Tự tạo cớ nằm viện
Hai năm gần đây, những ngày cuối năm, ông Tuấn, giám đốc một công ty nhà đất ở Mỹ Đình nhàn hạ hơn hẳn. Ông không còn phải đi khắp nơi để tìm bằng được đối tác, cấp trên tặng quà, biếu xén. Trái ngược, ông lại được khá nhiều người săn tìm chẳng khác nào là vip.
Từ một đại gia xe sang, nhà đẹp, ông Tuấn giờ trở thành một con nợ lớn. Số nợ của ông Tuấn được giới kinh doanh đồn đoán cũng lên tới vài chục tỷ, tất cả đang nằm im trong những lô đất dự án chưa bán, không có sổ đỏ.
Trong cơn sốt nhà đất, ông Tuấn từ một nhân viên công ty BĐS đứng ra làm ăn riêng. Nhờ những mối quan hệ từ công ty cũ, cùng mánh khóe học lỏm từ sếp, ông Tuấn dốc hết tiền đầu tư làm dự án. Làm ăn lên nhanh như diều gặp gió, lúc xuống dốc cũng như không phanh, ông Tuấn giờ vẫn được gọi là đại gia, tiền thì không thiếu chỉ thiếu tiền mặt.
Văn phòng công ty mở được hai năm đã đóng cửa, đồ đạc bị đối tác siết nợ. Gia đình ông Tuấn đang đi thuê nhà để khỏi bị ngòm ngó. Bạn ông Tuấn chia sẻ về cách làm này: “Tết nhất như này chẳng ai muốn vào viện nhưng mình nằm đây có khi lại hay, khỏi bị phiền hà. Lúc nào cũng có người nheo nhéo ở nhà, nhức hết cả đầu. Trước đây, mình sợ chủ nợ chứ giờ ngược lại, chỉ cần mình ho he là họ cũng tái mặt ngay, nghe tin nằm viện thể nào cũng có vài ba người tới hỏi thăm.”
Cùng chung cảnh nợ nần chồng nhất như ông Tuấn, anh Dũng, giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại Hà Đông đang ngao ngán vì sắp Tết. Sau khi phất lên từ nhà đất, anh Dũng dồn tiền xây ngôi nhà khang trang gần 3 tỷ đồng. Nhà chưa xong, đang hoàn thiện dang dở đã phải gán ngân hàng để trả nợ, mặc dù vậy cũng chưa thấm vào đâu.
Thay vì tiêu tiền quyển, “một bước lên xe hơi, một bước xuống nhà hàng” thì nay anh Dũng phải tính chi li từng đồng, số điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng không liên lạc được.
Mỗi khi có nhà đầu tư hỏi, ông đều lắc đầu rằng: “Làm ăn phải có lúc, thậm chí phải quát lên để yên cho tôi sống còn trả nợ. Cũng may, mình còn lô đất ở quê có chỗ chui ra chui vào. Tết nhất như này chỉ muốn đi đâu cho rảnh nợ.”
Kéo cả nhà vào nợ nần
Phá sản, nợ nần không chỉ các đại gia phá sản mà nhiều gia đình rơi vào cảnh mất cả cửa nhà. Dù làm ăn cỏn con nhưng chuyện gia đình ông Minh vỡ nợ thì nhiều người biết tới. Kinh doanh thuận lợi, bố mẹ ông Minh dồn tiền cho con làm ăn, thậm chí giao cả lô đất ngôi nhà biệt thự 3 tầng ở Hà Đông cho con đứng tên.
Cơn sốt đất đi qua nhanh chóng, ông Minh lâm vào cảnh nợ nần. Số tiền hàng tỷ đồng đã chôn vùi trong những cơn sốt ảo. Bố mẹ thân sinh ông Minh cũng ngã ngửa khi chủ nợ tới siết nhà. Cũng chỉ vì tin con nên tới già hai ông bà đã tay trắng, ra ngoài ở nhà thuê.
Không chỉ bố mẹ ông Minh mà nhiều anh em họ hàng cũng điêu đứng vì chung tiền đầu tư bất động sản. Được ông Minh tư vấn làm ăn, họ góp vốn với ông bằng việc cho mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng lấy tiền mua đất. Hiện, ngoài việc đang phải gánh nợ vì đi vay mượn, không ít người thân của ông Minh đứng trước cảnh vướng vào cảnh nợ nần, nguy cơ mất nhà có thể xảy ra.
Có những gia đình đứng trước nguy cơ vỡ nợ bởi số tiền vay lớn hơn nhiều so với giá trị đất đai. Nhà ông Nam ở Cầu Giấy, Hà Nội là trường hợp như vậy. Cách đây mấy năm, nhìn vào gia đình ông Nam, ai cũng tấm tắc khen ông và hai người anh là những doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực BĐS, thậm chí, người anh cả còn được vinh danh trên một tờ tạp chí.
Ba anh em sở hữu ba công ty, phất lên nhanh chóng từ nhà đất. Ban đầu, ông Nam mang sổ đỏ gia đình đi thế chấp ngân hàng lấy tiền đầu tư, thấy lời ông huy động thêm vốn bằng cách thỏa thuận với nhân viên, người thân bạn bè, nếu tính số tiền huy động tới nay cũng phải trên 50 tỷ đồng.
Làm ăn thua lỗ, bố mẹ ông Nam cũng phải bán dần đất ở quê trả nợ cho con, chưa kể hai người anh cả cũng đã đóng cửa doanh nghiệp vì ông Nam có nguy cơ vỡ nợ. Cái cảnh chạy toát mồ hôi để thắp hương giao thừa dịp Tết những năm trước ở những ngôi nhà ông có giờ không còn. Nghĩ về Tết sắp tới, ông Nam ngán ngẩm: “Ở trên Hà Nội thì buồn, về quê cũng ngại họ hàng làng xóm, ước gì có tiền để đi đâu thật xa.”
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Cột tin quảng cáo