Pháp luật

Sát thủ gây thảm án ở Hà Nội muốn hiến xác để chuộc lỗi lầm

(DNVN) - Kẻ trộm gây ra vụ thảm sát ở Thạch Thất (Hà Nội) muốn hiến toàn bộ cơ thể mình cho y học nếu phải nhận án tử hình...

Theo báo VnExpress, ngày 26/7, TAND Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm Nguyễn Văn Kỳ (46 tuổi, trú xã Hương Ngải, Thạch Thất) về tội Giết người và Cướp tài sản với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Kỳ là hung thủ sát hại ông Nguyễn Lương Chuân và con trai Nguyễn Lương Chỉnh, gây thương tích cho vợ và con cả ông Chuân.

Trước phiên xử, ông Nguyễn Anh Thơm, người bào chữa cho Kỳ đã có buổi làm việc với gã trong suốt chiều 20/7. Kỳ luôn giữ thái độ bình thản khi tiếp xúc với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. 

Kỳ tâm sự, sau khi ra tù vào tháng 5/2016, không còn nhà cửa, mắc nghiện và bị mọi người xa lánh, gã phải ở cái lán nhỏ tạm bợ đầu làng sống qua ngày. Kỳ đi lang thang sang các xã lân cận để trộm cắp. Gã luôn mang theo con dao nhỏ bên người với mục đích cạy cửa đột nhập trộm cắp.

Đêm đột nhập vào nhà ông Chuân (6/12/2015), Kỳ chỉ có mục đích duy nhất là lấy cắp tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Gã lục lọi phòng anh Chỉnh và lấy 2 điện thoại Sony M2 và Nokia 105 (tổng giá trị là 950.000 đồng). Bị phát hiện, gia chủ hô hoán, gã rút dao mang theo đâm về phía vợ chồng và hai con ông Chuân, hậu quả khiến hai người tử vong, hai người thương nặng.

Gã tâm sự với luật sư rằng không có ý định sát hại các nạn nhân. Lúc đó, gã nói với những người trong nhà ông Chuân rằng chỉ trộm vặt. Trong lúc cố tẩu thoát, Kỳ đã gây trọng tội. Gây ra nỗi mất mát quá lớn với các nạn nhân, gã bảo muốn gửi lời xin lỗi đến gia đình họ.

Giọng chùng xuống, Kỳ thông qua luật sư mong muốn nếu qua phiên xét xử tới, không còn cơ hội được sống thì sẽ hiến toàn bộ cơ thể cho y học. Đây là điều cuối cùng Kỳ có thể làm để sám hối.

Bị can Nguyễn Văn Kỳ. Ảnh: VnExpress.

Theo quan điểm của luật sư, đây là nguyện vọng chính đáng, nhân văn của tử tù, nhưng cũng rất khó cho các bị cáo bị kết án tử hình thực hiện được di nguyện đó. Bởi các cơ chế pháp lý qui định, đối với người bị kết án tử hình trong trường hợp có ý nguyện hiến xác là chưa có.

Việc công dân không bị hạn chế bất kỳ quyền dân sự nào cũng đã rất khó khi thực hiện quyền được hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và đặc biệt quyền hiến xác.Người bị thi hành án tử hình là người bị cơ quan có thẩm quyền tước bỏ quyền sống của người chấp hành án theo quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật và Chủ tịch nước bác xin ân giảm án tử hình càng khó có thể thực hiện được việc hiến tạng vì Luật thi hành án hình sự chưa qui định trường hợp này.

Mặt khác, sau khi thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc vào cơ thể thì có đáp ứng được yêu cầu y học hay không? Điều này cần phải có một cơ quan chuyên môn giám định ảnh hưởng các chất độc trên cơ thể tử tù có ảnh hưởng đến việc lấy, ghép mô, bộ phận cho người khác hay không…

Đây là vấn đề rất phức tạp không chỉ liên quan y học mà còn đến các khía cạnh nhân văn, quyền nhân thân của tử tù và người thân của họ. Nếu không có một cơ chế pháp lý chặt chẽ thì dễ bị biến tướng với các mục đích, ý đồ khác nhau.

Theo quan điểm của luật sư, để có thể thực hiện di nguyện của tử tù được hiến xác thì chúng ta phải thay đổi hình thức thi hành án tử hình đối với trường hợp này. Có những trường hợp tử tù muốn hiến tặng một bộ phận cơ thể của họ cho người thân đang bệnh nặng, chờ đợi được cấy ghép tạng mới có thể cứu chữa được thì chúng ta phải có những qui định pháp luật để họ thực hiện mong muốn này vì mục đích nhân đạo.

 

"Luật sư mong muốn trong thời gian tới, Nhà nước sẽ nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung vào quy định của pháp luật", lời ông Thơm.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo