Sau 4 ngày phúc thẩm vụ “đại án” Vifon (TPHCM): Chứng lý lỏng lẻo, khó buộc tội
Không khác gì phiên xét xử sơ thẩm, sau 4 ngày (12 - 15.5) Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm vụ “đại án” tại Cty kỹ nghệ thực phẩm VN (Vifon) tiếp tục bộc lộ việc thiếu chứng lý để có thể buộc tội các bị cáo một cách thuyết phục. Hầu hết các bị cáo đều kêu oan, đặc biệt, với 2 bị cáo chủ chốt là Nguyễn Bi - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Vifon và Nguyễn Thanh Huyền - nguyên phó Tổng GĐ Vifon.
Ở bản án sơ thẩm mà TAND TPHCM tuyên phạt ông Bi 2 tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, với mức án đến 22 năm tù, ông Bi đã kháng cáo kêu oan. Tại phiên phúc thẩm lần này, Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi kỹ về tội danh “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo buộc, Nguyễn Bi đã có sai phạm khi “phân chia” số tiền thưởng 290.000USD cho bản thân và một số cán bộ lãnh đạo của công ty, Nguyễn Bi đã gây thiệt hại số tiền là 8,2 tỉ đồng. Trả lời HĐXX, ông Bi nói rằng số tiền 290.000USD có nguồn gốc từ chuyển nhượng vốn liên doanh của Cty, ông Bi không làm sai, vì 7 người được thụ hưởng chính là những người có công lớn tạo dựng thương hiệu Vifon không những thời điểm đó, mà ngay cả hiện nay Vifon cũng đang là tên tuổi lớn, đóng góp cho ngân sách và giải quyết công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động.
“Bị cáo trích khen thưởng 7,9 tỉ đồng là khen thưởng đột xuất đúng thẩm quyền sau khi làm nghĩa vụ thuế với nhà nước là đúng với thẩm quyền của Tổng GĐ” - ông Bi nói tại tòa.
Với tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nguyên Phó Tổng GĐ Vifon Nguyễn Thanh Huyền bị xét hỏi về cáo buộc hành vi đã chỉ đạo thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn gốc nguồn vốn. Trả lời HĐXX, bà Huyền khẳng định mình làm theo sự chỉ đạo của Tổng GĐ. Số tiền mà bà Huyền nhận cũng đã đưa toàn bộ cho ông Bi.
Khoản tiền 7,9 tỉ đồng mà Cty Vifon được phép đưa vào quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng cũng giành được sự quan tâm từ các luật sư. Bà Huyền nói rằng, số tiền này Cty có quyền quyết định, sau khi hoàn thành nộp tiền nghĩa vụ liên doanh.
Liên quan tới số tiền 7,9 tỉ đồng tiền thưởng này, HĐXX cũng cho mời đại diện Cty Vifon có mặt tại tòa có ý kiến. Theo vị đại diện Cty Vifon, số tiền 7,9 tỉ đồng, nếu thất thoát là thất thoát tiền Cty chứ không phải tiền nhà nước. Phía Cty Vifon đã có đơn kháng cáo yêu cầu các bị cáo trả lãi suất số tiền chiếm đoạt của Cty, nhưng tại phiên tòa vị đại diện của đơn vị này xin rút kháng cáo.
Về tư cách nguyên đơn dân sự của Bộ Công thương, VKSND Tối cao cho rằng, tòa sơ thẩm tuyên buộc Bộ Công thương là nguyên đơn dân sự, yêu cầu bị cáo Huyền bồi thường cho bộ này 9,8 tỉ đồng là có căn cứ.
Ở phiên xét xử phúc thẩm ngày 12.5, HĐXX đã phải hội ý, vì sự vắng mặt của đại diện Bộ Công thương (cơ quan chủ quản trước đây của Vifon) và đại diện Bộ Tài chính… là nguyên đơn dân sự. Cả hai bộ này đều không có văn bản yêu cầu bồi thường nào cả.
Ngay khi diễn ra phiên sơ thẩm cho đến phiên phúc thẩm hôm nay, Bộ Công thương khẳng định không phải là nguyên đơn dân sự, Bộ Tài chính cũng vậy; có thể nói ở đây “Nhà nước không mất tiền, không thiệt hại tài sản”.
Vậy không có nguyên đơn dân sự, thì các bị cáo đã chiếm đoạt hay làm thất thoát tài sản của ai? Thời điểm vụ án xảy ra, Vifon đã được cổ phần hóa, vốn sở hữu nhà nước chỉ còn 51%. Chưa kể, tại phiên tòa phúc thẩm giám định viên khẳng định rằng số tiền 7,9 tỉ đồng không phải là tài sản nhà nước, đó là tiền quỹ phúc lợi, khen thưởng...
Đối với hành vi cố ý làm trái của bị cáo Nguyễn Bi làm thiệt hại của nhà nước số tiền hơn 8,2 tỉ đồng, các luật sư bào chữa cho rằng thân chủ của mình không phạm tội. HĐXX cáo buộc ông Bi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc chỉ đạo bà Huyền chuyển số tiền 2,2 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.
Ông Bi cho rằng “Số tiền 2,2 tỷ đồng là Huyền gửi lại tiền huy động vốn còn sót. Bản thân tôi và Cty Vifon chưa đối chiếu công nợ nên không biết còn thừa thiếu thế nào”. Ông Bi cho rằng, sau khi về hưu chưa quyết toán số tiền góp vốn, lương thưởng, số tiền cũng xấp xỉ 2 tỉ đồng nên phía Vifon chuyển trả số tiền trên là hợp lý. Tuy nhiên, theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra, ông cũng Bi đã chuyển trả lại Vifon số tiền này, ngay từ khi vụ án chưa khởi tố bị can.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn luật sư TPHCM) nhận định: “Để thỏa mãn tội danh này, người phạm tội phải có các hành vi vay mượn, thuê tài sản, hoặc nhận tài sản qua hợp đồng rồi chiếm đoạt, bỏ trốn hay sử dụng vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, buôn lậu…) không có khả năng trả lại. Trong vụ án này, ông Bi không hề có những hành vi nêu trên, cũng không có ý thức chiếm đoạt, do đó cần xem lại kết luận ông Bi phạm tội này”.
Ngày 19.5 tới, HĐXX sẽ tuyên án phúc thẩm; tuy nhiên, sẽ khó có một bản án thuyết phục.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo