Thị trường

Sau 4 tháng, 11 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính từ đầu năm nay đến 20/4, cả nước có 734 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 4,88 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2016, theo tin tức trên báo Vneconomy.

4 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới là 10,95  tỷ USD. Ảnh minh họa.

Có 345 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,36 tỷ USD, tăng 241,8% so với cùng kỳ và 1.687 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,35 tỷ USD, tăng 106,8% so với cùng kỳ.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,95  tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu với tổng số vốn là 7,36 tỷ USD, chiếm 69,53% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 4 tháng đầu năm.

Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 1,28 tỷ USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 546,68 triệu USD, chiếm 5,16% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt 7.369,3 triệu USD, chiếm 69,5% tổng vốn đăng ký; ngành khai khoáng đạt 1.280,1 triệu USD, chiếm 12,1%; các ngành còn lại đạt 1.948,6 triệu USD, chiếm 18,4%, báo Trí thức trẻ đưa tin.

 

Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Kiên Giang có số vốn đăng ký lớn nhất với 1.304,7 triệu USD, chiếm 26,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương 861,7 triệu USD, chiếm 17,7%; Tây Ninh 326 triệu USD, chiếm 6,7%; Bắc Giang 301 triệu USD, chiếm 6,2%..

Trong số 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, Nhật Bản là nhà đầu tư có số vốn lớn nhất với 1.521,6 triệu USD, chiếm 31,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.092,1 triệu USD, chiếm 22,4%; Trung Quốc 735,2 triệu USD, chiếm 15,1%; Xin-ga-po 498,9 triệu USD, chiếm 10,2%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 283,1 triệu USD, chiếm 5,8%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 128,2 triệu USD, chiếm 2,6%.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Vneconomy, Trí thức trẻ)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo