Quốc tế

Sau Brexit sẽ là "Nexit" và "Frexit"?

(DNVN)-Việc cử tri Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã làm dấy lên lo ngại về việc các đảng cực hữu tại những quốc gia thành viên khác yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý chia tay ngôi nhà chung này.

Hiện châu Âu lo ngại hiệu ứng domino sẽ xuất hiện sau khi cử tri Anh đã quyết định "dứt tình" với EU sau hơn 4 thập kỷ sống cùng một mái nhà. Theo đó, sau Brexit (Anh rời EU) có thể sẽ là "Nexit" (Hà Lan rời EU) và "Frexit" (Pháp rời EU). Giới phân tích nhận định rằng, các chính trị gia EU sẽ lo ngại hiệu ứng domino hậu Brexit có thể đe dọa toàn bộ khối liên minh này. 

Lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia Cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen, muốn thực hiện bước đi tương tự như Anh (Ảnh BBC)

Lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia Cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen, cho biết Pháp phải có quyền lựa chọn. Bà Le Pen đã lên tiếng ca ngợi cuộc bỏ phiếu của Anh và viết trên Twitter cá nhân rằng: "Chiến thắng vì sự tự do. Như những gì tôi đã nói nhiều năm qua, giờ chúng ta phải tiến hành cuộc trưng cầu dân ý tại Pháp và các quốc gia EU khác".

Hiện bà Le Pen là một trong những ứng viên sáng giá cho chiếc ghế tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử vào năm 2017, tuy nhiên các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà sẽ thất bại.

Hôm 17/6, bà Le Pen đã phát biểu trước các thành viên đảng cực hữu ở Vienna rằng: "Về ý muốn rời EU, so với Anh, Pháp có nhiều hơn 1000 lý do". 

Bà cho rằng, EU phải chịu trách nhiệm về tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và không giải quyết được bài toán buôn lậu, khủng bố và di dân kinh tế. 

Trong khi đó, chính trị gia phản đối nhập cư của Hà Lan Geert Wilders cho rằng, Hà Lan xứng đáng với một cuộc trưng cầu dân ý "Nexit". 

 

Ông Wilders, lãnh đạo Đảng tự do tại Hà Lan, cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi muốn chịu trách nhiệm về chính quốc gia, đồng tiền, biên giới và chính sách nhập cư của riêng mình. Càng nhanh càng tốt người Hà Lan cần phải có được cơ hội để có tiếng nói của mình về tư cách thành viên trong Liên minh châu Âu."

Cử tri Hà Lan sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3 năm sau và kết quả một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Wilders đang dẫn trước. Một cuộc khảo sát gần đây của Hà Lan cho thấy 54% người dân nước này muốn tiến hành trưng cầu dân ý rời EU như Anh. 

Cuộc bỏ phiếu lịch sử về việc Anh rời khỏi EU (Brexit) đã kết thúc với phần thắng sát sao thuộc về phe ra đi. Tỷ lệ kiểm phiếu ở toàn bộ 382 khu vực cho thấy người Anh chọn ra đi với tỷ lệ 51,9%, cao hơn 3,8% so với tỷ lệ cử tri ủng hộ ở lại. Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, Thủ tướng Anh David Cameron đã thông báo từ chức. Nghị viện châu Âu đã kêu gọi tiến hành một phiên họp đặc biệt vào ngày 28/6 tới. 

Sau thông tin trên, thị trường chứng khoán toàn cầu đã lao dốc mạnh và đồng bảng Anh cũng đã sụp đổ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Giới phân tích dự đoán, Brexit có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tương tự như năm 2008.

Nên đọc
NM (Theo BBC)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo