Sau chanh, hành tây đổ bỏ vì hàng TQ 'rẻ như cho'
Hàng trăm tấn hành tây của nông dân, doanh nghiệp TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) được mang đi… đổ bỏ. Thiệt hại của người dân khó tính toán được.
Hành tây tại Đà Lạt đang rơi vào cảnh thê thảm, điêu đứng, chỉ tính riêng tại khu vực phường 7, đã có hàng trăm tấn hành tây của nhà vườn và cả thương lái phải đổ bỏ do không thể bán được.
Chị Nguyễn Thị Hải (đường Thánh Mẫu, phường 7, TP.Đà Lạt) - chủ kho hành hơn 20 tấn đang nảy mầm, bung rễ trắng xóa cho biết, chỉ ít ngày nữa, nếu không có ai đến mua thì phải thuê người chở đi đổ vì sản phầm không thể sử dụng được nữa. "Mấy trăm triệu đồng của tôi giờ đang thối dần”, chị Hải mếu máo.
Dọc đường Thánh Mẫu, dưới những hố đất sâu, trước đó đã có hàng chục tấn hành tây bị đổ bỏ giờ đang nảy mầm xanh rì.
Nhiều thương lái cũng đã bỏ hàng trăm triệu đồng mua hành tây về tích trữ. Thế nhưng cuối cùng họ đã lâm vào tình cảnh như của chị Hải. Anh Phan Văn Hưng, đường Đan Kia, phường 7, TP.Đà Lạt đã đầu tư 150 triệu đồng để trồng 5 sào hành tây, khi vào thu hoạch do giá bán chỉ có 5.000 đồng /kg.
Thấy chẳng lời được bao nhiêu, anh Hưng quyết định cất hết số hành này vào kho chờ giá. Thế nhưng đến nay, chẳng những giá không lên mà còn rớt xuống thêm 500 đồng/kg, hàng chục tấn hành tây của anh Hưng thì bắt đầu lên mầm, ra rễ. Muốn giữ được số hành trên thêm vài tuần nữa, anh Hưng phải thuê người cắt mầm, rễ rồi đem phơi.
Trước tình cảnh trên, không ít gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh hành tây phải đổ sản phẩm cho gia súc ăn hoặc ủ làm phân mong vớt vát ít nhiều. Không ít những nhà vườn gần như trắng tay sau vụ hành tây vừa rồi.
Theo người dân cũng như các doanh nghiệp, lý do hành tây Đà Lạt không bán được là do hàng cùng loại của Trung Quốc đang hoành hành trên thị trường Việt Nam. Tuy chất lượng hàng của họ rất tệ, có thể còn chứa nhiều nguy cơ tổn hại đến sức khỏe nhưng được bán với giá rẻ mạt nên đã chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P cho biết, hàng Trung Quốc đã phá hoại nông sản Việt Nam quá nhiều. Người Việt chỉ làm ăn được khi chưa hoặc xuất hiện ít hàng Trung Quốc trên thị trường.
“Khi chúng đã đổ bộ vào nước ta thì hàng Việt Nam chỉ còn cách ra rìa vì không thể cạnh tranh nổi bởi giá các mặt nông sản của Trung Quốc rẻ như cho” – ông Cường nhận định.
Sự việc diễn ra tương tự với chanh. Trong khi chanh trong nước không bán được do Trung Quốc ngừng thu mua, giá chanh giảm mạnh thì chanh Trung Quốc lại "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam.
Giá chanh tại Bến Tre đã giảm hơn 10.000 đồng/kg, và giữ mức 17.000 đồng/kg trong khi tại Long An giá chanh chỉ còn 10.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - phó Phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm, Bến Tre - cho biết thị trường tiêu thụ chanh từ trước đến nay đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng gần đây Trung Quốc ngưng tiêu thụ chanh nên giá giảm.
Trong khi đó, gần đây, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã phát hiện 6 tấn chanh quả tươi nhập từ Trung Quốc có dư lượng Carbendazim 0,7mg/kg vượt mức MRL quy định.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh
Vi phạm quy định hạn chế giao dịch ký quỹ, Chứng khoán DNSE bị xử phạt
Cột tin quảng cáo