Sau khủng hoảng: tạo đà cho lớp doanh nghiệp mới
Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp tại Ngày hội các nhà đầu tư năm 2012 diễn ra hôm qua 16.2 tại TP.HCM.
Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng sẽ có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nằm ở các mảng kinh tế đang được phải tái cấu trúc lại sau giai đoạn dài bộc lộ những yếu kém như đầu tư công, thị trường tài chính, các doanh nghiệp nhà nước...
Quá trình tái cấu trúc này sẽ tạo cơ hội làm sống động lại thị trường chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua mua bán cổ phần hay mua bán doanh nghiệp.
Cơ hội từ tái cấu trúc
Dự kiến các tập đoàn nhà nước sẽ phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành khoảng 20.000 tỉ đồng trước năm 2015. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, ngân hàng thương mại đang được đẩy mạnh sẽ tạo ra cú hích cho thị trường tài chính.
Tái cơ cấu đầu tư có thể đem lại cơ hội mới cho khu vực tư nhân tham gia vào các dự án kết cấu hạ tầng, mua cổ phần doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp nhỏ đã bị suy yếu nhiều vẫn phải thích nghi với lãi suất, lạm phát để tồn tại và phát triển, nhưng các công ty tư vấn, các công ty cung cấp công nghệ và phần mềm sẽ có nhiều cơ hội dự phần vào quá trình tái cấu trúc đó”, theo ông Doanh.
Chia sẻ kinh nghiệm với giới trẻ, TS Alan Phan, chủ tịch quỹ đầu tư Viasa, cho rằng kinh tế vĩ mô ảnh hưởng nhất định đến sự thăng hoa của doanh nhân nhưng các doanh nhân năng động luôn có cách thành công khác. “Nghèo hay giàu không quan trọng mà quan trọng là ở tư duy mới có thể tạo ra sự khác biệt”. Theo ông, nền kinh tế thị trường thực sự luôn có những chu kỳ lên xuống, năm 2012 đánh dấu chu kỳ mới của nền kinh tế Việt Nam.
Dù Chính phủ luôn muốn can thiệp vào các chu kỳ như vậy – có thể thành công hay không, nhưng người chiến thắng cuối cùng luôn là thị trường, mà cụ thể là doanh nghiệp. “Một chu kỳ kinh tế mới luôn tạo ra nhiều sự chuyển đổi tài sản giữa các doanh nghiệp, tạo thêm các ngành nghề mới, cách kiếm tiền mới. Đó là cơ hội tốt cho người ít có cơ hội hơn”, ông nhận định.
Giới trẻ, cách nhìn mới
“Với vốn đầu tư khiêm tốn trung bình từ 50 – 100 triệu đồng/lao động, lại dễ dàng phát huy các cơ hội từ cộng đồng, ngành IT đang tạo ra cơ hội lớn cho giới trẻ Việt Nam khởi nghiệp” Chu Tiến Dũng. |
TS Alan Phan cho rằng nhiều mảng kinh doanh đang tạo ra cơ hội khởi nghiệp và thành công rất lớn cho giới trẻ Việt Nam như kinh doanh nhượng quyền thương mại, là cách phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhất là tại các thị trường mới nổi và là cơ hội nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Ngành IT cũng dễ dàng tạo ra sự đột phá, lại chịu ít rào cản thị trường và phụ thuộc vào các cơ chế chính sách nhà nước. Trong khi đó, du lịch luôn tăng trưởng tốt, vốn khởi nghiệp ít và là ngành kiếm tiền tốt nếu có sự sáng tạo và đặc thù…
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành nông nghiệp, theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch HĐQT công ty càphê Trung Nguyên cho rằng, cần phải đổi mới quan niệm kinh doanh nông nghiệp và cách tiếp cận để thay đổi cách nghĩ lâu nay là khi nói đến nông nghiệp có nghĩa là lạc hậu, nông dân là nghèo nàn.
Theo ông Vũ, ngành nông nghiệp đang có quyền lực thực sự bởi thị trường toàn cầu đang chịu áp lực lớn về biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, đây lại là ngành giúp bảo vệ môi trường. Ngành này còn không gian rất lớn để tăng giá trị.
Theo ông Vũ, tinh thần doanh nhân nói chung và trong kinh doanh nông nghiệp nói riêng, thì một doanh nghiệp trẻ cần có “tinh thần nông dân” – đó là tố chất kiên trì, khắc chế những khó khăn của thời tiết, con người và cả môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp ngày nay còn chịu chi phối mạnh mẽ của thị trường toàn cầu nên tầm nhìn cũng phải theo đó. “Nếu bạn khởi nghiệp, cần làm cái nhỏ trước, làm lớn cái nhỏ, nhưng sự khởi đầu nhỏ đó cũng phải có cái nhìn rộng...”, ông Vũ chia sẻ.
Theo ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch hội đồng thành viên công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, thì công nghệ thông tin (IT) là cơ hội và giải pháp tốt để các doanh nghiệp vượt bão trong những năm tới, khi cả Chính phủ cũng đứng trước áp lực tái cấu trúc.
Sản phẩm công nghệ đang ăn sâu vào đời sống của mỗi cá nhân và tạo ra một thị trường lớn hơn. Năm 2011, doanh nghiệp IT đã có cơ hội lớn, riêng khối doanh nghiệp gia công phần mềm tăng trưởng khoảng 30%; doanh nghiệp cung cấp phần mềm trong nước tăng trưởng trung bình hơn 40%, các doanh nghiệp làm dịch vụ gia công các quy trình kinh doanh (BPO) còn phát triển ngoạn mục hơn. Trong giai đoạn khó khăn ngành IT đã chứng minh những cơ hội của riêng mình.
Tuyết Ân (SGTT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo