Xã hội

Sau Tết, công nhân rủ nhau “nhảy việc”

Sau Tết, nhiều công nhân tại các khu công nghiệp “nhảy việc” với lý do mức lương thấp, mức thu nhập chưa xứng đáng với công sức bỏ ra.

Cổng một Khu công nghiệp ngày mùng 8 Tết vắng tanh người

 

Một số người có suy nghĩ rằng, mình đang còn sức trẻ nên phải đi nhiều nơi để biết thêm, điều này khiến không ít công ty đối mặt với nỗi lo thiếu công nhân mỗi dịp sau Tết và đây lại là dịp ăn nên làm ra của dịch vụ tư vấn việc làm.

Trung tâm tư vấn hưởng lợi


Lê Duy Thanh, công nhân chuyên gia công đồ may mặc trong phân xưởng tại Khu công nghiệp Lễ Môn, Thanh Hóa cho biết, với công việc hiện tại, phải làm việc cả ca ngày và ca đêm nhưng mỗi tháng chỉ nhận được gần 7 triệu đồng nên đầu năm nay, Thanh ra Hà Nội với ý định tìm một công việc mới lương cao hơn.

Còn Hường, nhân viên làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cho hay: “Tôi làm mỗi tháng chỉ được trên 5 triệu, tăng ca thì khoảng 7 triệu nhưng cũng không đủ chi phí hàng tháng của gia đình có con nhỏ. Hiện tôi đã có kinh nghiệm hơn 4 năm nhưng công ty vẫn giữ mức lương cũ nên tôi cần tìm đến một công  ty mới có thu nhập phù hợp với mức sống, sức lao động bỏ ra”.

Theo khảo sát tại 5 công ty tư vấn việc làm trên địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai của TP. Hà Nội thì có đến 4 công ty tư vấn việc làm bắt đầu làm việc sớm từ mùng 10 âm lịch.

Anh Nguyễn Kim Tùng, bộ phận tuyển dụng Cty Tư vấn việc làm Hướng Mới (Minh Khai, Hoàng Mai, Hà Nội) tiết lộ, mỗi năm có hai đợt công ty tư vấn việc làm bận rộn là sau đợt nghỉ Tết âm lịch và đợt hè khi sinh viên vừa tốt nghiệp. Đầu xuân 2015, Cty anh Tùng mở hàng làm việc từ mùng 6.

Mới đầu tháng 3 nhưng số lượng công nhân, sinh viên tìm đến xin tư vấn việc làm tăng nhanh, khoảng hơn 70 hồ sơ nộp để xin được giới thiệu cho một số công việc thích hợp.

Nhận xét về tình trạng công nhân “nhảy việc”, anh Tùng nhận định người lao động luôn phải đi tìm công việc mới cũng là điều dễ hiểu. Một phần do có những công ty trong thời buổi khó khăn nên cắt hết lương, thưởng, phần khác do tâm lý đang còn trẻ nên muốn tìm công việc mới tốt hơn, thu nhập cao hơn, như trường hợp của chị Hường là một minh chứng.

Tuy nhiên, hàng năm có rất nhiều người lao động bỏ công ty này để chuyển sang công ty khác nhưng công việc mới của họ chưa chắc đã khá hơn so với ở công ty cũ. Thậm chí nhiều người còn thất vọng hơn vì không tìm được công việc như mong muốn mà còn rơi vào tình trạng thậm tệ hơn.

Doanh nghiệp: năm mới, nỗi lo cũ

Sau Tết, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lại tiếp tục đối diện với nỗi lo công nhân “nhảy việc”. Không ít doanh nghiệp nhỏ phải lo tuyển lao động để đi làm vào dịp đầu năm. Anh Lê Thành Huy- Giám đốc Công ty Xây dựng & Đô thị cho biết, công ty có 40 nhân viên, trong đó có 8 nhân viên hành chính và 32 nhân viên thi công.

Với số nhân viên thi công, mặc dù nhận mức lương trên dưới 8 triệu mỗi tháng nhưng vẫn luôn nuôi ý nghĩ “nhảy việc”. Đầu năm nay, trong số 32 nhân viên thi công thì có đến 10 nhân viên rủ nhau xin nghỉ việc, một số xin đi làm muộn vì lý do việc nhà, ốm đau. Anh Huy cho biết thêm, sau mỗi dịp nghỉ Tết, công ty thường phải tuyển thêm khoảng 5 – 7 nhân viên thi công để thay cho số lượng nhân viên đã nộp đơn xin nghỉ việc.

Tương tự, anh Lê Xuân Trọng - Giám đốc một công ty may tại Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, anh lập công ty được hơn 5 năm nay và có hơn 500 công nhân làm việc thường xuyên. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận việc công nhân ngành may xin nghỉ việc hoặc “nhảy việc” sau mỗi dịp Tết xảy ra hàng năm.

Sau mỗi dịp Tết âm lịch, anh Trọng thường phải tuyển thêm khoảng từ 10 – 50 công nhân để thay cho lượng công nhân đã xin nghỉ vào cuối năm hoặc xin nghỉ đột ngột vào đầu năm. Rút kinh nghiệm trong hai lần bị phạt vì giao hàng chậm vào dịp đầu xuân 2013, anh Trọng đã chủ động có chính sách tăng lương phù hợp cho công nhân và thuê đưa – đón công nhân về ăn Tết để mọi người ra khai xuân đúng hẹn.

Việc làm này được nhiều công nhân hưởng ứng, phấn khởi và đặc biệt việc làm nhỏ mang lại lợi ích cực kỳ lớn là số công nhân xin nghỉ dịp đầu xuân năm nay không còn. Anh Trọng lý giải, tâm lý được đưa – đón về ăn Tết và thông tin tăng lương sau Tết đã đốc thúc nhân viên tập trung làm việc, giúp họ không còn nghĩ đến xin nghỉ việc và mơ ước về những công việc mới.

Nhưng những doanh nghiệp có sáng kiến như công ty của anh Trọng không nhiều. Phần lớn, để đảm bảo đủ sản phẩm giao đến khách hàng, phần lớn các công ty đã chủ động cho công nhân làm bù, tăng ca sản xuất vào dịp cuối năm. Lượng hàng sẽ giao vào đầu năm được sản xuất vào cuối năm nên bớt được một phần gánh nặng lo thiếu hụt công nhân trong năm mới. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ đáp ứng được phần nào hàng hóa và doanh nghiệp thì vẫn phải cấp tốc tuyển dụng lao động làm bù để giao hàng đúng hẹn./.

 

Theo Pháp luật VN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo