Quốc tế

Sau thỏa thuận ngừng bắn, người dân Syria khát...nước

(DNVN)-Kể từ ngày 27/2 - thời điểm thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực, Aleppo - thành phố lớn thứ hai của Syria - đã tạm yên tiếng súng đạn. Tuy nhiên, trong khi mọi thứ dường như đang dần ổn thỏa, thì người dân nơi đây lại phải đối mặt với tình trạng khát nước sinh hoạt và coi nước chẳng khác gì... vàng.

Người dân thành phố Aleppo hiện đang phải chịu đựng tình trạng thiếu nước sạch nhiều ngày nhất trong cuộc chiến kéo dài 5 năm qua. 
"Sau thỏa thuận ngừng bắn, tình hình chung tại thành phố này đã cải thiện. Mọi thứ đều có sẵn cả, ngoại trừ nước", ông Abu Nidai, 60 tuổi, cho biết.

Sau thỏa thuận ngừng bắn, người dân Aleppo đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt (Ảnh Middle-east)

Các cuộc đụng độ tại Aleppo kể từ năm 2012 đã hủy hoại các máy phát điện và máy bơm dẫn nước tới các khu dân cư, khiến người dân trong tình trạng thiếu nước liên tục. 

Một cuộc không kích của Nga hồi tháng 11 năm ngoái nhằm vào một nhà máy xử lý do phiến quân IS nắm giữ đã khiến 1,4 triệu dân thành phố Aleppo không có nước sinh hoạt. 

Giờ thì người dân phải tự đào giếng hoặc mua nước từ các cửa hàng phân phối tư nhân. 

Một người đàn ông trẻ tuổi lái một chiếc xe tải bẩn thỉu hiệu Suzuki chở đầy nước. Sau khi lấy nước từ các giếng khoan trên khắp thành phố, anh sử dụng một máy bơm có động cơ nhỏ để phân phối nước cho các xe chở nước lân cận. 

"Những người lái xe chở nước này đã trở thành hoàng tử của Aleppo, bởi vì mọi người cần họ", Jana Marja, sinh viên 21 tuổi hiện đang sinh sống tại al-Siryan - khu vực do lực lượng chính phủ nắm giữ - cho biết.

 

Tổ chức giám sát nhân quyền Syria cho hay, cuộc khủng hoảng nước tại các quận ở phía Tây Aleppo còn tệ hơn bởi vì đông dân hơn. 
Marja cho hay, ngày nào cô cũng nhìn thấy cảnh đàn ông, phụ nữ, và trẻ nhỏ xếp hàng lấy nước gần các giếng ở khu vực lân cận. 

Tại Bustan al-Qasr, quận do phe đối lập kiểm soát, anh Abu Amer cho biết, gần đây gia đình anh phải vật vã với tình trạng thiếu nước.

"Đôi khi nước bị cắt cả tháng trời. Tuy nhiên, đây là lần khủng hoảng nước lâu nhất kể từ khi chiến tranh nổ ra tại Aleppo", Anh Abu Amer nói. 

Anh chia sẻ thêm, do thiếu nước nên gia đình anh thường một tuần mới tắm một lần. Việc giặt giũ vì thế cũng bị hạn chế. Và giá nước tăng lên từng ngày. 

"Tôi thường mua 12 chai với giá 450 pao Syria. Nhưng giờ giá nước đã tăng gấp đôi lên 900 pao, tương đương gần 4 USD", anh Abu nói thêm.

 

Trong khi đó, một sinh viên tại Mogambo cho biết, gia đình cô hiện phải trả 1.350 pao Syria cho két nước 1.000 lít. 

Cô buộc phải mua nước đóng chai với giá đắt đỏ từ một siêu thị gần nhà. Tuy nhiên, cô cho biết, những người khác chỉ đun sôi nước lấy từ dưới giếng lên rồi pha trộn với một viên thuốc khử trùng mua tại hiệu thuốc. Nhiều người kêu ca về tình hình sức khỏe sau khi sử dụng nước giếng không an toàn.

"Tôi và gia đình buộc phải uống nước giếng dù biết nó độc hại. Chúng tôi bị nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy và ói mửa", ông Abu Mohammad nói. 

"Trước chiến tranh, tôi không chú ý mình đã sử dụng bao nhiêu nước mỗi ngày. Nhưng giờ, với tôi nước chẳng khác gì vàng", người dân có tên Ali chia sẻ. 

Nên đọc
NM (Theo Middle-east)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo