Xã hội

Sau vụ xô xát, Samsung Thái Nguyên vẫn sản xuất đúng hẹn

Vụ xô xát trên công trường xây dựng Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) đã cơ bản được giải quyết ổn thỏa, nhà máy sẽ vẫn vận hành thử đúng kế hoạch. Nhưng bài học để lại là không nhỏ.

 Báo cáo chính thức từ UBND tỉnh Thái Nguyên gửi Thủ tướng Chính phủ cuối tuần qua cho biết, vụ xô xát xảy ra vào khoảng 6 giờ 50 sáng ngày 9/1/2014 và nguyên nhân ban đầu được xác định do mâu thuẫn giữa công nhân nhà thầu xây dựng của SEVT và nhân viên bảo vệ của Công ty Dịch vụ bảo vệ Hòa Bình (đơn vị được Samsung thuê làm bảo vệ).

 
Vụ xô xát không ảnh hưởng tới kế hoạch vận hành thử của Nhà máy Samsung Thái Nguyên, nhưng đã để lại bài học không nhỏ về kỷ luật lao động của người Việt Nam
 
Cụ thể, công nhân nhà thầu đi làm muộn vẫn cố đòi xông qua cổng để vào Nhà máy làm việc, còn nhân viên bảo vệ thì ngăn lại không cho vào, bởi theo quy định, nếu đi làm muộn, thì không được vào Nhà máy. Lời qua tiếng lại, hai bên xô xát và xông vào đánh nhau.
 
Sự việc càng trở nên phức tạp hơn khi trong hỗn loạn lại có tiếng kêu “nhân viên bảo vệ đánh chết người”. Ngay lập tức, đám đông công nhân của nhà thầu ùa vào bao vây đuổi đánh và ném đá về phía các nhân viên bảo vệ.
 
Lúc đầu có khoảng 1.000 người, nhưng sau đó tăng lên đến khoảng vài ngàn người, khiến tình hình càng trở nên phức tạp và hỗn loạn.
 
Đỉnh điểm của vụ xô xát kinh hoàng này là nhân viên bảo vệ bị công nhân nhà thầu bao vây, ném đá, đốt phá phương tiện. Hậu quả, 13 người bị thương, trong đó có 2 công an, phải đưa đi cấp cứu. 22 xe máy và 3 container (vốn được các bảo vệ sử dụng làm nhà ở và nơi làm việc) bị đốt cháy.
 
Không có người tử vong theo như đồn thổi ban đầu, cũng không có thương tích nghiêm trọng và cũng nhờ lãnh đạo UBND tỉnh và các ban ngành chức năng Thái Nguyên tích cực vào cuộc, vụ việc đã nhanh chóng được giải quyết. Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức làm việc của một bộ phận người lao động Việt Nam.
 
Không ít lần, không chỉ là các nhà đầu tư nước ngoài, mà cả các doanh nghiệp trong nước, đã lên tiếng về việc mặc dù người lao động Việt Nam cần cù, chăm chỉ, nhưng ý thức kỷ luật kém, chưa có tác phong công nghiệp.
 
Chưa nói đến câu chuyện tình người ở đây và chuyện sai - đúng, ai chịu trách nhiệm sẽ được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Nhưng rõ ràng, sẽ không có xô xát xảy ra, nếu như người lao động đi làm việc đúng giờ, đeo thẻ ra vào đúng quy định. Cũng sẽ không có đánh nhau, nếu phía nhân viên bảo vệ có hành xử đúng mực và chuyên nghiệp.
 
Sự việc cũng sẽ không quá phức tạp và hỗn loạn, để lại hậu quả đáng tiếc, nếu không có “hội chứng đám đông” của người Việt. Ban đầu, chỉ là xô xát của những cá nhân, nhưng khi hàng nghìn công nhân quá khích bao vây, ném đá nhóm nhân viên bảo vệ, thì mọi chuyện đã khác. Thật khó để tin rằng, đó là biểu hiện của… “tinh thần đoàn kết”.
 
Việt Nam đang trong quá trình vươn lên để cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Trong quá trình ấy, việc thu hút đầu tư được các dự án lớn như của Samsung là vô cùng cần thiết. Tập đoàn này đã đầu tư 3,2 tỷ USD cho SEVT, trong đó bao gồm một nhà máy sản xuất điện thoại di động (2 tỷ USD) và một nhà máy sản xuất thiết bị cho điện thoại di động (1,23 tỷ USD).
 
Muốn tiến lên công nghiệp hóa, người lao động Việt Nam không thể hành xử một cách tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp như vậy. Trong môi trường làm việc công nghiệp, đòi hỏi sự tuân thủ, ý thức kỷ luật rất cao. Việt Nam, đã đến lúc không thể chỉ thu hút đầu tư dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ nữa, mà phải bằng nhân lực chất lượng cao.
 
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, đã yêu cầu các nhà thầu xây dựng cần quán triệt cho công nhân chấp hành nghiêm các quy định về thời gian làm việc, các công cụ, dụng cụ được phép và không được phép mang vào nhà máy…, nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo công nhân lao động; thực hiện những biện pháp thiết thực để tự bảo vệ cũng như thực hiện đầy đủ các quyền và lợi ích đối với công nhân lao động.
 
Còn đối với các công ty bảo vệ, ông Dương Ngọc Long cũng đã chỉ đạo cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc; cải thiện cách thức ứng xử trong giao tiếp, đồng thời xử lý linh hoạt các tình huống nhạy cảm…
 
Trao đổi với phóng viên, đại diện Samsung Electronics Việt Nam cho biết, sự việc đáng tiếc trên sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất thử nghiệm vào tháng 2/2014 và chính thức vận hành thương mại vào tháng 3/2014 của SEVT.
 
Vị đại diện của Samsung không có bình luận thêm trước câu hỏi về môi trường đầu tư của Việt Nam sau vụ việc này. Tuy nhiên, ngay sau khi vụ xô xát kinh hoàng xảy ra, dư luận đã lên tiếng về việc một bộ phận người lao động Việt Nam thiếu ý thức đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh người lao động Việt Nam nói chung. Một hành động nhỏ nhưng hậu quả để lại lớn. Và rất có thể, sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại, nản lòng.
 
Có lẽ cũng chính vì vậy, ông Dương Ngọc Long, ngay sau khi vụ việc xảy ra đã yêu cầu các sở, ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn để ổn định tình hình, tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư tại Thái Nguyên.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo