SCIC thoái vốn: Gái xấu vẫn dễ lấy chồng
Nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy “hàng tốt” trong danh mục Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải thoái vốn trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng tốt cũng ảnh hưởng tới quyết định mua của nhà đầu tư.
Chuẩn bị ra hàng khủng
Trong Đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến năm 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt, có 5 nội dung được các nhà đầu tư quan tâm.
Thứ nhất, 4 DN mà SCIC nắm giữ, đầu tư dài hạn gồm CTCP Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE); CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom); CTCP Dược Hậu Giang; CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Đây là những “con bò sữa” của SCIC, khi trong năm 2013, cổ tức của 4 DN đại gia này đã mang về hơn 2.000 tỷ đồng cho SCIC. Với kế hoạch nắm giữ lâu dài phần vốn nhà nước tại đây, giới đầu tư sẽ không nhòm ngó được gì từ nhóm này.
Thứ hai, SCIC nắm 100% vốn tại 3 DN là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC, Công ty Khai thác và Chế biến đá An Giang, Công ty Đầu tư và Kinh doanh khoáng sản Vinaconex.
Thứ ba, SCIC sẽ nắm cổ phần chi phối tại 24 DN và 2 DN được cổ phần hóa, nhưng vẫn nắm giữ cổ phần là Công ty Thương mại, Du lịch và Dịch vụ tổng hợp Điện Biên, Công ty Khoáng sản Lai Châu.
Thứ tư, SCIC phải thoái hết vốn tại 376 DN từ nay đến năm 2015.
Thứ năm, SCIC sẽ được tăng vốn điều lệ gấp 10 lần, từ 5.000 tỷ đồng hiện tại lên 50.000 tỷ đồng đến năm 2015. Việc điều chỉnh tăng vốn này được thực hiện trong tháng 12/2013.
Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư có lẽ là danh mục cổ phiếu đã niêm yết, đặc biệt là nhóm cổ phiếu thuộc diện phải thoái toàn bộ.
Theo thống kê của Nhóm công tác thị trường vốn (Diễn đàn DN Việt Nam) công bố ngày 3/12, tổng giá trị thị trường của phần vốn nhà nước tại 11 công ty trong nhóm 20 công ty lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán TP.HCM (theo tiêu chí vốn hóa) là 14,8 tỷ USD, chiếm 38% vốn hóa của cả sàn chứng khoán TP.HCM. Riêng phần sở hữu trên 50% của nhóm 11 công ty này có giá trị 4,4 tỷ USD.
Việc bán một phần các DN này, sẽ không chỉ bù đắp được một phần ngân sách nhà nước trong giai đoạn khó khăn, mà còn tạo ra hàng khủng cho thị trường.
Toan tính của nhà đầu tư
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital không ngạc nhiên khi nhìn vào danh mục các khoản đầu tư phải giữ lại và thoái vốn dài dằng dặc của SCIC, bởi nhiệm vụ mà SCIC được giao là phải thoái vốn khỏi những khoản đầu tư không hiệu quả và giữ lại những chú bò sữa béo tốt. Hơn nữa, danh sách này, hàng tồn đọng - những kế hoạch đã có trong lộ trình thoái vốn trước đó - không phải là ít.
Được coi là nhà đầu tư có kinh nghiệm, nhưng ông Andy Ho vốn không có thói quen đưa ra dự báo về xu hướng tăng trưởng trong tương lai của những lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra rất tự tin về khả năng sinh lời với các khoản đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Lý do là, năm 2013, Việt Nam đã là một trong những thị trường có sự tăng trưởng tốt nhất khu vực châu Á và xu hướng này tiếp tục thuận lợi trong năm 2014. Theo ông Andy Ho, đó là cơ sở để VinaCapital tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi trong danh mục đầu tư chính yếu của quỹ đầu tư đình đám này, cơ hội đầu tư vào DN nhà nước trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng được cổ phần hóa và nằm trong lộ trình thoái vốn của SCIC đã được bôi đậm.
Hơn thế, sự háo hức từ giới đầu tư với danh mục mới công bố của SCIC với kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại 376 DN trong thời gian từ nay tới năm 2015 tăng lên khi những tên tuổi đình đám đã xuất hiện. Trong đó, có những tên tuổi được nhà đầu tư cho là hàng tốt vào thời điểm này, như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Bảo Việt, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Nước khoáng Vĩnh Hảo…
“Trước đây, ai được giao nghiên cứu danh mục thoái vốn của SCIC cũng nản, vì đa phần là DN nhỏ, làm ăn không hiệu quả, nhà đầu tư không mặn mà. Nhưng với danh sách lần này, nhiều tên tuổi lớn trên thị trường, kinh doanh có lãi đã xuất hiện”, đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nói và cho biết thêm, theo nguyên tắc thị trường, thì hàng tốt luôn dễ bán và ngược lại.
Đặc biệt, quan niệm về “hàng tốt” từ giới đầu tư cũng khá rõ ràng. Đối với nhà đầu tư chiến lược, nhóm nhà đầu tư có thể đang là đối tượng mà SCIC muốn nhắm cho các khoản thoái vốn lớn của mình, luôn nhìn vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của DN, chứ không chỉ nhìn vào thực trạng hiện hữu. Đại diện một quỹ đầu tư cho rằng, nhà đầu tư ít khi đầu tư vào một công ty tốt hoàn toàn, vì họ sẽ không còn cửa để bổ sung điểm mạnh làm sinh lời hơn trong tương lai.
“Tôi đã từng bỏ 10-20 triệu USD vào một công ty không hiệu quả, rồi thuê người giỏi về điều hành làm mạnh lên, sau đó thoái vốn trên thị trường chứng khoán, hoặc bán cho công ty khác để kiếm lời. Vì vậy, nhiều khi gái xấu lại dễ lấy chồng”, một nhà đầu tư nói và cho biết, đang theo đuổi một số DN thuộc danh mục thoái vốn của SCIC.
Song đại diện một nhà đầu tư tổ chức khác (đề nghị không nêu tên) lại nghi vấn về danh mục SCIC giữ lại FPT Telecom. “Tại sao SCIC giữ lại công ty con của FPT mà không giữ lại Tập đoàn? Có thể, mảng thương mại và mảng điện thoại của FPT có vấn đề. Nếu hoạt động tốt, đâu có lý do gì để bán”, nhà đầu tư này đặt câu hỏi và cho rằng, điều này sẽ xi-nhan cho thị trường một tín hiệu về hiệu quả của Tập đoàn FPT.
Cách phân chia miếng bánh
Câu chuyện thoái vốn của SCIC vài năm trở lại đây vẫn được bàn, nhưng ở tình trạng khó khăn, thậm chí bế tắc. Đây là lý do khi phân tích cơ hội mới được mở ra, với số lượng lớn phải thoái vốn trong vòng 2 năm tới của SCIC, giới đầu tư chưa thực sự an tâm ở tính khả thi. Dường như miếng bánh từ SCIC không dễ xơi nếu không có cơ chế, cách thức thực thi cụ thể.
Trước hết, những danh mục luôn được đánh giá là hấp dẫn như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong… đã rơi vào thế kịch “room” với đối tác ngoại. Nếu không có cơ chế mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài để kêu gọi sự tham gia của họ trong vai trò là nhà đầu tư chiến lược - mong muốn hợp lý cho cả hai bên trong kế hoạch với miếng bánh ngon, SCIC sẽ khó tìm kiếm sự thành công với các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ vốn khó đủ khả năng hấp thụ lượng vốn lớn, trong khoảng thời gian ngắn.
Với giá hiện tại trên sàn, nếu bán hết số cổ phần SCIC đang nắm giữ tại VCG, VSH, BVH, VNE, FPT, NTP, BMP, TBC, số tiền SCIC thu về ước đạt 7.500 tỷ đồng. Riêng giá trị cổ phiếu VCG do SCIC nắm giữ đạt hơn 2.700 tỷ đồng, giá trị cổ phiếu BVH, NTP và BMP hơn 900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khả năng hấp thụ của thị trường và đối tượng mua chỉ là một phần. Điều mà giới đầu tư chuyên nghiệp luôn nhắc tới là chất lượng của hàng hóa được chào bán. Đại diện VCSC khi được hỏi về khả năng tham gia cơ hội khủng này cũng cho rằng, quyết định của họ còn phù thuộc rất lớn vào tiềm năng tăng trưởng doanh thu và thị phần của các DN cụ thể.
“Nếu lúc này hàng đẹp, nhưng lại không đảm bảo một tương lai tăng trưởng tốt, thì nhà đầu tư cũng bỏ qua”, đại diện VCSC nói và khẳng định, nhiều nhà đầu tư tìm tới sự mai mối của VCSC đang hướng sự quan tâm tới việc mua cổ phần chi phối tại những DN thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng, y tế và giáo dục.
“Kế hoạch thoái vốn của SCIC trong những lĩnh vực này là dịp tốt để nhà đầu tư thực hiện mục đích của mình. Song các nhà đầu tư này luôn đặt đầu bài với chúng tôi là hàng chọn phải có quy mô lớn và thuộc hàng top trong lĩnh vực đó”, vị đại diện trên chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng có phương án để SCIC thoái vốn nhanh hơn nếu thực hiện cách đấu giá một nhóm công ty theo ngành, địa bàn hoạt động và quy mô vốn điều lệ phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán phân tích, nếu áp dụng phương án này, SCIC phải dùng chiêu “bia kèm lạc”, một công ty tốt với công ty kém hấp dẫn hơn, khác lĩnh vực để nhà đầu tư có thể lựa chọn.
“Trong danh mục có hàng tốt, hàng xấu, nếu xử lý từng công ty, thì khả năng ế hàng xấu rất cao. Khi đó, cơ hội tìm người mua hàng xấu chắc chắn không còn”, đại diện một quỹ đầu tư cho biết.
Đặc biệt, việc tuyên bố cho phép SCIC thoái vốn dưới mệnh giá đã không chỉ tháo gỡ khó khăn gần như cốt lõi trong hoạt động cổ phần hóa DN nhà nước, mà còn đánh một tín hiệu vô cùng tích cực tới giới đầu tư.
Tuy nhiên, đại diện VCSC khi nhìn nhận cơ hội này vẫn chưa an tâm và cho rằng, cần phải có tiêu chí, cơ chế thực thi rõ ràng cho kế hoạch này. “Cũng không thể loại trừ giới đầu tư tìm cách dìm giá hàng tốt để mua với giá rẻ. Cơ chế kiểm soát, giám sát SCIC trong thực hiện thoái vốn dưới mệnh giá là vô cùng quan trọng”, đại diện VCSC cảnh báo.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo