Thị trường

Sẽ bán 5 siêu dự án đường cao tốc

Tổng mức đầu tư 5 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 540km, trị giá khoảng 125.572 tỉ đồng (gần 6 tỉ USD), sẽ bán cho DN tư nhân.

Cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây nằm trong danh sách chào bán

Dự kiến, năm dự án cao tốc được đề xuất bán gồm: tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành (đang thi công).

Trong đó, vốn ngân sách đầu tư trực tiếp 71.555 tỉ đồng, tương đương 57%, tự huy động 54.000 tỉ đồng. Hiện có ba tuyến có thể bán được là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vì ba tuyến này đã đưa vào khai thác.

Cụ thể, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho hay, việc bán các tuyến đường cao tốc này là chủ trương mới, nếu thực hiện thành công sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư công và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, giúp VEC sớm thu hồi vốn để đầu tư triển khai các tuyến đường cao tốc khác đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, việc nhượng quyền các “siêu dự án” này là một chủ trương mới, chưa từng có tiền lệ nên không thể làm một sớm một chiều.

Ông Anh chia sẻ: "Bước đầu VEC đã gửi thư và có những cuộc tiếp xúc với một số nhà đầu tư danh tiếng trong lĩnh vực quản lý, khai thác đường cao tốc trong khu vực và trên thế giới, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, tới EU và Mỹ. Đối với chúng ta, đây là một nghiệp vụ kinh doanh mới nhưng trên thế giới thì trong phân khúc thị trường này đã có những tập đoàn dày dạn kinh nghiệm. Với tiềm năng của VN, khi mở cửa lĩnh vực này chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm".

Lý giải nguyên nhân tại sao đến nay chưa có nhà đầu tư tư nhân nào đầu tư BOT đường cao tốc, ông Thanh phân tích, đó là do số tiền để đầu tư đường cao tốc là rất lớn nên các nhà đầu tư tư nhân đầu tư xây dựng đường cao tốc sẽ gặp khó khăn về tài chính.

Ông Anh khẳng định: "Nếu việc này thành hiện thực, một thị trường chuyển nhượng, đầu tư hạ tầng giao thông với giá trị lớn chưa từng có sẽ hình thành. Việc chuyển nhượng đường cao tốc nhằm tạo ra nguồn vốn quay vòng đầu tư các tuyến đường khác.

Nếu chỉ trông vào ngân sách nhà nước hay trái phiếu chính phủ sẽ rất khó thành công. Do đó, với quyết tâm thay đổi cách làm, mục tiêu đầu tư xây dựng 2.000km đường cao tốc hoàn toàn có thể thực hiện".

Bên cạnh đó, theo ông Anh, giải pháp đột phá nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đó chính là chuyển nhượng lại các dự án đường cao tốc đã hoàn thành, dùng nguồn vốn đó để tiếp tục đầu tư, chắc chắn sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian so với hiện nay khi không phải chờ đợi làm thủ tục vay vốn và nhiều trình tự buộc phải tuân thủ khi vay vốn ODA.

Trước đó, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông đã chia sẻ với Đất Việt, đây là một giải pháp năng động sáng tạo huy động vốn rất đáng trân trọng của Bộ GTVT. Như vừa qua có thông tin tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng “bán” 70% cho nhà đầu tư Ấn Độ, cũng là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ rất khó tìm được các nhà đầu tư nước ngoài “mua” lại các công trình hạ tầng giao thông vốn cao, thời gian thu hồi vốn quá dài và còn rủi ro tiềm ẩn khác. Nếu được chỉ may ra một ít tuyến cao tốc ngắn vốn vửa phải, lưu lượng xe cao do “ độc đạo” và kèm theo các cơ chế tài chính thu chi hấp dẩn từ phía Việt Nam.

Trong một diễn biến liên quan đến vấn đề này, tại phiên chất vấn Quốc hội, ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: "Chuyển giao quyền khai thác được coi là khâu đột phá để có tiền đầu tư cho hạ tầng. Hiện nay đã đầu tư được 524 km đường cao tốc; nếu chuyển nhượng hết thì sẽ lấy tiền này làm thêm 524 km nữa, cứ thế cuốn chiếu thì đến năm 2020 sẽ có 2.000 km đường cao tốc”.

Đối với những lo ngại về việc nếu nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu sẽ đẩy giá lên cao sẽ ảnh hưởng đến lợi ích người dân và lợi ích quốc gia, ông Thăng cho rằng, khi các nhà đầu tư trúng thầu, họ phải chấp hành theo khung giá phí của Bộ Tài chính chứ không thể tăng giá tùy tiện. Đơn cử, quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương đã chuyển nhượng 5 năm nay nhưng nhà đầu tư phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của hợp đồng.

Bộ trưởng Thăng từng cho rằng, đó là cách làm mới để có vốn quay vòng đầu tư làm đường khác. Nếu không thay đổi tư duy, chỉ trông vào ngân sách nhà nước hay trái phiếu Chính phủ, thì sẽ thất bại.

Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo