Thị trường

Sẽ "bêu tên" những doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá cước

(DNVN) - Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đối với những doanh nghiệp cố tình chây ì không giảm giá cước, để đảm bảo minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra ngay, xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.

Xử lý nghiêm và công khai các doanh nghiệp chây ỳ giảm giá cước vận tải

Trong thời gian vừa qua, dư luận xã hội đã có những phản ánh về việc giá xăng dầu liên tục giảm nhưng giá cước vận tải vẫn chậm giảm theo diễn biến của giá nhiên liệu đầu vào. Qua theo dõi và khảo sát tại một số địa phương cho thấy đã có các doanh nghiệp giảm giá cước, tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp chây ì chưa giảm giá dù Bộ Tài chính, Bộ GTVT đã có văn bản "thúc' các doanh nghiệp giảm giá cước.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường vận tải hiện nay là thị trường có sự cạnh tranh cao, các đơn vị kinh doanh vận tải không chỉ cạnh tranh bằng giá cước vận tải mà còn trên nhiều tiêu chí khác như chất lượng dịch vụ, an toàn....

giá cước vận tải bằng xe ô tô, do doanh nghiệp vận tải tự quy định và kê khai giá cước, niêm yết giá theo quy định.
Giá cước vận tải bằng xe ô tô, do doanh nghiệp vận tải tự quy định và kê khai giá cước, niêm yết giá theo quy định.

Theo quy định của Luật giá thì một trong những nguyên tắc quản lý giá là Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Do đó, trong bối cảnh nhiên liệu là một yếu tố cấu thành chính của giá thành vận tải có xu hướng giảm, các đơn vị kinh doanh vận tải phải điều chỉnh giảm giá cước vận tải theo quy luật của thị trường. 

"Trong trường hợp một số doanh nghiệp chưa giảm giá cước, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần rà soát các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn, căn cứ chênh lệch giá nhiên liệu thực tế và phương án giá các đơn vị đã kê khai liền kề để yêu cầu các đơn vị kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu từ đầu năm 2015 đến nay, đặc biệt là những đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô đã kê khai tăng giá tại thời điểm giá xăng, dầu tăng trong những tháng đầu năm 2015 phải xem xét giảm ngay. Trường hợp những đơn vị này cố tình chây ì không giảm giá cước, để đảm bảo minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra ngay, xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết", ông Anh Tuấn cho biết.

Lãnh đạo Cục Quản lý giá cũng cho biết, với trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá của Bộ Tài chính và chức năng quản lý giá chuyên ngành giao thông vận tải của Bộ Giao thông vận tải,  liên Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải luôn phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giám sát tình hình triển khai tại các địa phương và cũng đã yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có việc yêu cầu và giám sát chặt chẽ việc kê khai giảm giá cước đối với dịch vụ vận tải bằng xe ô tô. 

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần tăng cường công tác quản lý và kiểm tra giá trên địa bàn, rà soát các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn, căn cứ chênh lệch giá nhiên liệu thực tế và phương án giá các đơn vị đã kê khai liền kề để xem xét có văn bản yêu cầu các đơn vị kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu từ đầu năm 2015 đến nay (nhất là các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô đã kê khai tăng giá trong những tháng đầu năm 2015). 

"Trường hợp đơn vị không kê khai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn xã hội và người tiêu dùng biết", Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho hay.

 

"Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, giám sát và đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc quản lý giá chuyên ngành trên địa bàn theo phân công, phân cấp và qua theo dõi cho thấy, hiện nay, các Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải đang triển khai rà soát, giám sát kê khai giá của đơn vị kinh doanh vận tải. Một số địa phương cơ quan quản lý giá đã có các văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải tính toán kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu, trường hợp không kê khai sẽ bị xử phạt theo quy định", vẫn lời vị lãnh đạo Cục Quản lý giá.

Điều chỉnh giá phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá

Trước lo ngại về quy định về quản lý cước vận tải tại Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 của liên Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải có một số bất cập như không quy định khi nào được tăng, khi nào được giảm giá, không quy định tỷ lệ nhiên liệu chiếm bao nhiêu % trong giá thành vận tải, ông Anh Tuấn khẳng định quy định tại Thông tư thể hiện rõ quan điểm Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô định giá theo cơ chế thị trường, Nhà nước giám sát thông qua kê khai, niêm yết giá của các đơn vị.

Ông Anh Tuấn cho biết, theo quy định của Luật Giá thì Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, Nhà nước thực hiện điều tiết giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước. Luật Giá cũng quy định tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.

Ông Anh Tuấn cũng phân tích, chi phí nhiêu liệu là một trong các chi phí cấu thành giá thành vận tải, còn lại các chi phí khác như khấu hao, nhân công, bến bãi... tỷ lệ cơ cấu các khoản chi phí trong giá thành phụ thuộc vào quy mô của từng đơn vị, loại hình vận tải, loại xe..., do đó, liên Bộ không quy định cụ thể tỷ trọng chi phí nhiên liệu tại Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT. Theo đó, giá cước vận tải bằng xe ô tô, do doanh nghiệp vận tải tự quy định và kê khai giá cước, niêm yết giá theo quy định.

 

"Để tạo điều kiện cho các đơn vị điều chỉnh giá cước linh hoạt, phù hợp với tín hiệu của thị trường, Thông tư liên tịch đã quy định trong trường hợp tăng, giảm giá so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó trong phạm vi 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, đơn vị không phải thực hiện kê khai lại mà chỉ phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá mới", lãnh đạo Cục Quản lý gia cho hay.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo