Xã hội

Sẽ có quy định về giá cước truyền hình trả tiền?

Đề cương Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (PTTH) do Bộ TT&TT soạn thảo cho biết sẽ xây dựng những nguyên tắc về "áp dụng giá cước trên cơ sở giá thành" và các quy định đối với giá cước của gói dịch vụ cơ bản.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì phiên họp lần 1 của ban soạn thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ PTTH. Ảnh: T.C

Cụ thể, theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục PTTH & Thông tin điện tử, đơn vị trực tiếp soạn thảo đề cương thì sẽ có một chương riêng đề cập đến quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng và giá cước, khuyến mại của các dịch vụ truyền hình trả tiền. Trong đó quy định rõ những nguyên tắc cơ bản áp dụng đối với doanh nghiệp khi triển khai chương trình khuyến mại đối với dịch vụ truyền hình trả tiền, cũng như quy định những nguyên tắc về việc áp dụng giá cước trên cơ sở giá thành, các quy định đối với giá cước của gói dịch vụ truyền hình trả tiền cơ bản.

Việc bổ sung các quy định về quản lý giá thành, giá cước, khuyến mại dịch vụ nhằm đảm bảo thị trường truyền hình trả tiền phát triển, cạnh tranh lành mạnh, Cục nhấn mạnh.
 
Có thể nói, nếu được thông qua, đây sẽ là một tin vui cho người dùng truyền hình trả tiền, bởi thời gian qua, giá cước truyền hình trả tiền đã tăng gấp nhiều lần mà nhà cung cấp dịch vụ không hề giải trình lý do tăng giá với khách hàng. Ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) đã nêu ra một câu hỏi mà ông cho là nghịch lý, khó lý giải. "Giá xăng tăng 500 đồng thì báo chí đã phản ánh rầm rộ, liên Bộ phải họp báo giải trình lên xuống nhưng giá cước truyền hình cáp tăng từ 75.000 đồng lên 120.000 đồng thì nhà đài không cần giải thích lấy một lời, cứ thế là thu".
 
Những quy định về việc áp dụng giá cước, do vậy, sẽ có thể giúp lập lại trật tự trên thị trường, tránh tình trạng tăng cước tùy tiện, gây thiệt cho người dùng.
 
Bên cạnh đó, một trong những thực trạng gây bức xúc cho dư luận hiện nay là trong khi cước tăng thì chất lượng tín hiệu phát sóng truyền hình của một số nhà cung cấp lại đi xuống. Tín hiệu rớt liên tục hoặc ngắt quãng như "nấc nghẹn" mỗi khi mưa bão là chuyện mà nhiều người dùng phải cố mà chịu đựng. Chính vì thế, việc bổ sung các thủ tục, quy trình quản lý chất lượng dịch vụ cụ thể đối với từng loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền trong Nghị định cũng là một nội dung hết sức cần thiết.
 
Sau ba năm triển khai Quyết định số 20/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, từ gần 60 đơn vị cung cấp dịch vụ trên toàn quốc đã từng bước thu về chỉ còn 36 đầu mối. Ngược lại, các loại hình dịch vụ lại đa dạng hơn, ngoài truyền hình cáp tương tự và truyền hình vệ tinh còn phát triển thêm các dịch vụ truyền hình cáp số, truyền hình cáp giao thức IPTV, truyền hình di động. Theo ước tính, số lượng thuê bao trả tiền tính đến 31/12/2013 đã đạt 6,3 triệu thuê bao trên cả nước.
 
Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng PTTH đang đứng trước xu thế số hóa rất nhanh, tạo ra áp lực quản lý nhà nước cả về nội dung, hạ tầng lẫn dịch vụ, ông Yên chia sẻ. Nếu như trước đây, một kênh analog chỉ truyền được 1 kênh chương trình thì giờ đây, trên một kênh sóng (độ rộng 8MHz) đã có thể truyền đến gần 30 kênh truyền hình số với độ phân giải hình ảnh tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp truyền hình truyền thống như SCTV, VCTV đang triển khai cả truyền hình Internet và thoại IP trên hạ tầng của mình, trong khi các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel thì cung cấp IPTV và MobileTV.
 
Sự phát triển quá nhanh của thị trường đã dẫn đến tình trạng một đơn vị sở hữu chi phối nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và có hiện tượng độc quyền nội dung dịch vụ đối với một số kênh chương trình có ảnh hưởng xã hội lớn. "Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường dịch vụ", vị đại diện của Cục nhấn mạnh.
 
Trước đó, một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn VNPT đã chia sẻ rằng, Tập đoàn này sẽ chỉ cung cấp dịch vụ IPTV chứ không khai thác truyền hình cáp thông thường mà VCTV hay SCTV đang cung cấp. Một trong những vấn đề lớn mà các nhà mạng khi nhảy sang lĩnh vực truyền hình trả tiền gặp phải là trong khi nhà đài được phép quảng cáo thì nhà mạng lại không được. Do vậy, nếu như nhà đài càng hút nhiều thuê bao thì giá quảng cáo càng cao và thu được càng nhiều tiền thì nhà mạng càng nhiều thuê bao càng...  lỗ.
 
Chính vì vậy, việc xây dựng một văn bản quản lý ở tầm Nghị định của Chính phủ để quy định "bao quát hơn, cụ thể hơn và sát với thực tế của dịch vụ PTTH nói chung và dịch vụ truyền hình trả tiền" là hết sức cần thiết tại thời điểm này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định. Theo tiến độ dự kiến, dự thảo đầu tiên sẽ được xây dựng ngay trong cuối tháng 7 để tiếp thu ý kiến đóng góp từ các bên liên quan. Phiên bản dự thảo lần hai sẽ được đăng lên website để lấy ý kiến rộng rãi của dư luận, doanh nghiệp, tổ chức liên quan trong khi dự thảo lần 3 sẽ được gửi Bộ Tư Pháp thẩm định trước khi hoàn thiện và trình lên Chính phủ vào giữa tháng 12/2014.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo