Sẽ đề nghị Bộ Công an vào cuộc vụ nước mắm nhiễm Arsen
Tại cuộc họp ngày 20/10, đại diện các hội nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), Phan Thiết (Bình Thuận) và Cát Hải (Hải Phòng) cũng cho biết sẽ đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ thông tin do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) công bố, theo tin trên báo Tuổi Trẻ.
Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho biết ngoài việc bàn giải pháp truyền thông để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về arsen hữu cơ trong nước mắm truyền thống, các doanh nghiệp đã thống nhất kiến nghị lên Thủ tướng để làm rõ trách nhiệm của những bên liên quan về thông tin không rõ ràng, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành nước mắm truyền thống.
“Vì Thủ tướng đã có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngành công nghiệp nước mắm sau thông tin của Vinastas, nên các doanh nghiệp sản xuất nước mắm cũng kiến nghị Thủ tướng thanh tra, kiểm tra hoạt động của Vinastas để làm rõ động cơ cũng như cách thức thực hiện trong vụ arsen vừa qua” - bà Minh nói.
Cũng theo bà Minh, văn bản này sẽ được trình lên Thủ tướng vào đầu tuần tới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Tiến - Phó chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, cho hay arsen hữu cơ trong cá có từ bao đời nay và không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, Vinastas khi công bố đã cố tình không nói rõ đâu là arsen hữu cơ, đâu là arsen vô cơ, làm người tiêu dùng e sợ nước mắm truyền thống.
“Chúng tôi không kết luận có đơn vị nào đứng sau Vinastas hay không, nhưng sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xem lại cách làm và công bố thông tin sai lệch của Vinastas để có hình thức xử lý tương xứng” - ông Tiến nói.
Còn theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, cần phân biệt thông tin chưa chính xác mà Vinastas đưa ra với các nghi vấn có sự cạnh tranh không lành mạnh và phải có các cơ quan chức năng điều tra mới kết luận được có hay không việc cạnh tranh không lành mạnh.
Nhiều doanh nghiệp dự cuộc họp ngày 20/10 cho biết đang rất hoang mang trước phản ứng của khách hàng và phải đối mặt với các thiệt hại đang tăng dần.
Một thành viên của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc cho hay nhiều doanh nghiệp phản ánh đã có một số siêu thị và cửa hàng bán lẻ tạm ngưng lấy hàng, chưa kể một số khách hàng đòi trả lại nước mắm đã mua.
Ông Nguyễn Huy Tiến công nhận chưa có con số cụ thể về thiệt hại của các doanh nghiệp, nhưng thông tin mập mờ về arsen đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của nước mắm truyền thống. “Thiệt hại là có và chúng tôi đang thống kê” - ông Tiến nói.
Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố trong 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu thì có tới 67,3% không đạt quy định về hàm lượng asen tổng (thạch tín) cho phép trong sản phẩm. Đặc biệt, mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (lên tới 95,65% mẫu khảo sát).
Sau khi thông tin về sản phẩm nước mắm có asen, có khả năng gây ung thư, dư luận đã tỏ ra hoài nghi về tính chính xác về kết quả khảo sát này. Lên tiếng về vấn đề này trên báo chí, ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết cho biết, thông tin nước mắm độ đạm cao thì chứa thạch tín càng nhiều là thiếu khách quan.
Theo ông Hiến, để đánh giá chất lượng nước mắm, cần có cơ quan về chuyên môn như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và Bộ Y tế vào cuộc. Theo vị này, từ nhiều năm nay các chuyên gia và người tiêu dùng đều dựa vào chỉ số đạm để đánh giá chất lượng nước mắm. Nước mắm độ đạm càng cao thì càng ngon và được nhiều người lựa chọn hơn.
Nước mắm truyền thống từ 20-30 đạm là loại ngon, từ 10-20 đạm là loại bình thường, cao hơn nữa thì do khoa học kỹ thuật. Nếu nước mắm nhiều đạm mà độc hại, nhiễm thạch tín thì làm sao xuất khẩu đi nước ngoài và không thể tiêu thụ tại các thị trường như Mỹ, châu Âu vì yêu cầu rất cao về chất lượng.
Với kết quả khảo sát của Vinastas, ông Trương Quang Hiến cho rằng, cần phải đưa ra những ý kiến đánh giá khách quan, thông tin sự thật nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành sản xuất nước mắm nói riêng và ngành xuất khẩu cá nói chung của Việt Nam . Để đánh giá chất lượng nước mắm, cần có cơ quan về chuyên môn như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và Bộ Y tế vào cuộc.
“Tất cả các doanh nghiệp khi sản xuất nước mắm đều phải tuân thủ theo quy trình của nhà nước cho phép. Vì vậy, nước mắm truyền thống được sản xuất từ cá và muối cho ra sản phẩm nước mắm truyền thống độ đạm cao, không cho thêm chất bảo quản, phụ gia nên không có hại.
Các đơn vị được quyền công bố cần tìm hiểu thông tin chính xác mới thông báo kết quả tới người tiêu dùng để tránh gây hoang mang dư luận về nguồn thông tin chưa chính xác”, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết Trương Quang Hiến phân tích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT