Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Châu Phi năm 2015
Với số dân hơn 1 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi ngày càng lớn bởi sự tiện dụng của việc chế biến gạo so với kê và những loại ngũ cốc truyền thống khác. Để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường tiềm năng này, Bộ Công Thương sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp hỗ trợ.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), mức tiêu thụ gạo của châu Phi vào khoảng từ 24-24,5 triệu tấn/năm và mức tiêu thụ bình quân tính theo đầu người là 22,1 kg/năm. Những nước có mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người cao nhất trong khu vực là Guinea Bissau (112kg/người/năm), Sierra Leon (88,6 kg/người/năm), Guinea (73 kg/người/năm) và Gabon (72 kg/người/năm).
Lúa chiếm 10% diện tích canh tác các loại ngũ cốc và đóng góp 15% sản lượng lương thực của châu Phi. Tuy nhiên, do sản xuất không đáp ứng được nhu cầu nên từ năm 2009 đến nay, châu Phi phải nhập khẩu từ 8 đến 10 triệu tấn gạo, trị giá từ 3,5 đến 5 tỷ USD trong đó chủ yếu là loại gạo 25% tấm.
Các nước cung cấp gạo chính cho khu vực này là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Mỹ, trong đó Thái Lan vẫn là nhà cung cấp gạo với khối lượng lớn nhất và chủng loại đa dạng, chiếm đến 50% tổng lượng gạo nhập khẩu sang châu Phi.
Theo số liệu của Tổng Cục hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 11 năm 2014, gạo của Việt Nam đã xuất khẩu sang 46 trên 78 thị trường tại khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á với tổng kim ngạch đạt khoảng 410 triệu USD; trong đó xuất khẩu gạo sang các thị trường chính ở châu Phi như Bờ Biển Ngà, Angola, Cameroon giảm mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu là một số nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Phi bằng cách giảm giá gạo. Đặc biệt, việc Thái Lan xả hàng bán gạo tồn kho giá rẻ đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi.
Để cạnh tranh được với gạo của Thái Lan, Ấn Độ, năm 2015, Bộ Công Thương đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Châu Phi như hỗ trợ doanh nghiệp thành lập công ty, mở kho ngoại quan gạo tại một số thị trường trọng điểm như Cameroon, Angola, Mozambique... để tiêu thụ gạo trực tiếp; triển khai đề án đổi gạo Việt Nam lấy điều châu Phi; thiết lập quan hệ giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh và thanh toán xuất nhập khẩu.
T.H
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo