Xã hội

Sẽ không cắt điện, nước công trình vi phạm xây dựng?

Bộ Xây dựng tăng thẩm quyền của chủ tịch UBND phường/xã khi giải quyết nhà xây làm lún, nứt nhà hàng xóm.

Bỏ quy định áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm xây dựng. Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Nghị định 180/2007 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng do Bộ Xây dựng vừa soạn thảo.

Rất tiếc nhưng phải bỏ!

Theo Nghị định 180, đình chỉ xây dựng là một trong các biện pháp xử lý vi phạm. Để hỗ trợ cho việc đình chỉ này, thanh tra xây dựng được phép đề nghị cơ quan có thẩm quyền ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước cho công trình vi phạm.

“Thủ trưởng doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước đến công trình xây dựng vi phạm phải thực hiện đúng thời hạn yêu cầu trong quyết định đình chỉ thi công. Trường hợp không thực hiện, thực hiện không kịp thời hoặc dung túng, tiếp tay cho vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định…” - Nghị định 180 quy định rõ.

Trong những năm qua, quy định trên đã giúp ích rất nhiều cho các địa phương trong xử lý vi phạm xây dựng. Có những chủ đầu tư nhiều lần phớt lờ quyết định đình chỉ thi công, mãi tới khi công trình bị cắt điện, nước thì họ mới “chịu phép”.

Ông Dương Thành Phố, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, cũng đánh giá: “Trên thực tế, việc cắt điện, nước rất có hiệu quả đối với công trình vi phạm bị đình chỉ xây dựng. Vì khi không được cung cấp hai nguồn thiết yếu ấy, chủ công trình không thể cố tình tiếp tục vi phạm được”.

Tuy nhiên, ông Phố cũng lý giải “không thể giữ nguyên quy định trên, bởi Luật Xây dựng mới ban hành không có biện pháp ấy. Phải bỏ quy định này, chúng tôi rất tiếc!”.

Theo dự thảo mới, sẽ không cắt điện, nước đối với công trình vi phạm xây dựng. Ảnh: HTD

Tăng trách nhiệm cấp phường/xã

Theo dự thảo của Bộ Xây dựng, các công trình xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng, sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận sẽ phải ngừng thi công để bồi thường thiệt hại. Đáng chú ý, dự thảo này trao nhiều quyền hơn cho cấp phường/xã trong giải quyết trường hợp trên.

Cụ thể, sau khi có biên bản vi phạm, nếu bên xây nhà và nhà hàng xóm không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu, chủ tịch UBND phường/xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường giữa hai bên. Hết thời hạn bảy ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành, chủ tịch UBND phường/xã tổ chức thỏa thuận lần hai. Nếu vẫn không thành, chủ tịch UBND phường/xã được quyết định mức tiền bảo lãnh căn cứ vào yêu cầu của nhà hàng xóm, có xem xét đến đề nghị của bên xây nhà.

Ngoài ra, nếu hai bên không thống nhất về việc mời tổ chức giám định thiệt hại, chủ tịch UBND phường/xã sẽ đứng ra mời một tổ chức để làm việc này. Trường hợp một bên không thống nhất với kết quả giám định, chủ tịch UBND phường/xã sẽ quyết định mức bồi thường dựa trên kết quả giám định... Sau khi bên xây nhà đã chuyển đủ số tiền bồi thường vào ngân hàng, chủ tịch UBND phường/xã được quyền cho phép công trình tiếp tục thi công.

Được biết TP.HCM đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại quy định này, bởi trách nhiệm của chủ tịch UBND phường/xã như vậy là quá lớn. Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Phố cho biết: Quan hệ giữa bên vi phạm xây dựng và bên bị thiệt hại là quan hệ dân sự, được điều chỉnh bởi luật dân sự.

Theo đó, các bên tự thỏa thuận việc bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì nhờ tòa án giải quyết. “Khi các bên không làm hay không làm được các việc trên và một trong hai bên nhờ tới UBND phường/xã giải quyết thì cơ quan này cần xử lý cho gọn. Phải tránh trường hợp bên bị thiệt hại cứ lợi dụng việc hai nhà mâu thuẫn để kiện, làm khó cho chủ công trình đang xây dựng. Muốn vậy thì phải tăng trách nhiệm, thẩm quyền của chủ tịch UBND phường/xã” - ông Phố giải thích.

Ông Phố lý giải thêm, “khi chủ nhà đã chuẩn bị hết vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép… mà bị đình chỉ thi công, trong khi bên bị thiệt hại cứ cù nhầy, không chịu hợp tác giải quyết thì phải làm sao? Trong trường hợp này, rõ ràng cấp phường/xã phải có thái độ cương quyết. Khi chính quyền vào cuộc, các bên buộc phải tuân thủ”.

 Bổ sung nhiều vi phạm mới

So với Nghị định 180/2007, dự thảo mới bổ sung quy định xử lý một số trường hợp như xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng.

Các vi phạm như công trình xây trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng… cũng được bổ sung vào dự thảo nghị định mới cùng hình thức xử phạt cụ thể.

Theo PL TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo