Sẽ làm rõ khái niệm FDI và FII
Theo Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI vào Việt Nam” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu đặc điểm, tính chất các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn góp, vốn vay trong và ngoài nước và dòng vốn chuyển ra nước ngoài của doanh nghiệp FDI. Tất cả các dòng vốn này được hiểu chung là dòng vốn FDI.
Việc phân biệt rõ khái niệm FDI và FII là nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lý các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, trên cơ sở đó bổ sung, làm rõ và thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo khung pháp lý hoàn thiện cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Cũng theo Đề án này, các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy và nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn FDI theo hướng khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch và đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô khác.
Nghiên cứu, rà soát Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn để sửa đổi, bổ sung quy định về yếu tố cấu thành vốn FDI, thời điểm chuyển tiền góp vốn đầu tư, thời điểm chuyển nhượng vốn góp, cơ chế hạch toán chi phí chuẩn bị dự án trước khi được cấp phép... nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời tăng cường khả năng phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương trong công tác quản lý, giám sát dòng vốn FDI.
Bổ sung, chỉnh sửa các quy định về vay, trả nợ của doanh nghiệp FDI theo hướng thống nhất cơ chế, chính sách quản lý vay, trả nợ trong và ngoài nước của doanh nghiệp FDI nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý nợ nước ngoài thận trọng, đảm bảo quy trình tỷ lệ nợ an toàn, hiệu quả và nợ trong và ngoài nước của khối doanh nghiệp FDI nằm trong phạm vi tổng vốn đầu tư của dự án đã được phê duyệt tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về FDI, thống nhất cơ sở pháp lý về thủ tục đầu tư, quy trình cấp phép, chuyển nhượng dự án, quy định cơ cấu vốn góp (vốn hữu hình, vốn vô hình, vốn bằng tiền mặt, tỷ lệ vốn vay/vốn góp...) trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư để tổng hợp số liệu thống kê chi tiết dòng vốn FDI kịp thời, chính xác.
Anh Thảo (Theo Báo Đầu tư)
End of content
Không có tin nào tiếp theo