Thị trường

Sếp doanh nghiệp 'nhặt' bạc lẻ lo Tết cho nhân viên

Làm thêm dịch vụ bán đào, quất, hoa Tết là cách mà không ít sếp các doanh nghiệp bung ra để kiếm tiền cho mùa xuân này khi kinh tế vẫn dự báo còn nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Trung Thành, Giám đốc công ty cung cấp thiết bị máy in, mực in cho biết, bằng giờ này năm trước công ty anh bận rộn đi thu tiền nợ, ngoại giao với khách hàng, nhưng năm nay cả năm chỉ ký được vài hợp đồng nên anh phải đi tìm cách khác kiếm tiền lo cho cái Tết.

“Chúng tôi phải tìm cách làm các dịch vụ cho ngày Tết, nếu không thì ‘móm” mất”, anh Thành chia sẻ.
 
Bỏ mời máy in, chuyển sang mời mua đào, hoa, quất
 
Anh Thành cho biết, từ tháng 10 khi thấy tình hình ảm đạm, anh lập tức tỏa quân đi khắp nơi săn lùng nguồn hàng quất, đào và hoa phục vụ cho dịp Tết.  
 
Một hướng khác, quân của anh kết nối với các khách hàng cũ mời đặt mua hàng, thay vì trước đó là mời chào máy in và mực in.
 
Biết kinh tế khó khăn, nguồn hàng anh hướng tới có giá trung bình, thường chỉ 500.000 nghìn đến 3 triệu đồng. Anh Thành cho biết: “Kinh tế khó khăn, ai cũng thắt chặt chi tiêu nên không dễ buông khoản tiền lớn vào mấy thú chơi này nên chỉ giá vừa phải mới dễ bán”.
 
Với cách đó, đến nay anh cũng đã có lượng đặt hàng kha khá. “Tạm thời có vẻ đã nhìn thấy cái Tết cho anh em rồi”, anh phấn khởi.
 
Tham gia dịch vụ bán đào, quất đang là cách mà không ít doanh nghiệp tận dụng để kiếm thêm nguồn thu
 
Không hướng tới mặt hàng trang trí, chị Nguyễn Thanh Hương, chuyên kinh doanh đồ mỹ nghệ cao cấp năm nay cũng phải chuyển hướng đi săn các mặt hàng đặc sản từ các địa phương để mang về Hà Nội bán.
 
Chị cho biết, các loài giò, nem chua, bò, nai khô… bây giờ trở thành mặt hàng chính để kinh doanh trong những ngày cận Tết.
 
“Phải tìm cách mà kiếm tiền nhân lúc khó khăn này thôi em ạ. Nếu không thì Tết này căng lắm”, chị Hương chia sẻ.
 
Doanh nghiệp chết chứng minh kinh tế khó
 
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 thì số doanh nghiệp ‘chết’ – giải thể, ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp.
 
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: tình thế kinh tế Việt Nam bị “nghẽn mạch tăng trưởng” nặng nề. Ông cho rằng, nền kinh tế hiện đã tái lập ổn định vĩ mô nhưng trên một nền tảng rất yếu - nghĩa là mức độ rủi ro vẫn còn lớn.
 
Phân tích về các con số, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược cũng nói thẳng là kinh tế vẫn đang đối mặt với khó khăn.
 
Điều này chỉ cần nhìn vào số con số doanh nghiệp chết. “Số doanh nghiệp chết đi không hẳn đã ảnh hưởng ngay trong năm vừa rồi mà nó đã ảnh hưởng từ trước đó rồi thoi thóp cho đến khi chết hẳn.
 
Trong quá trình đó không đóng góp gì đáng kể. Còn doanh nghiệp mới hình thành thì cũng đang trong giai đoạn khởi động nên cũng chưa thể có đóng góp gì cho nền kinh tế. Do đó xét về tổng thể không chỉ cầu giảm mà nguồn cung cũng giảm hẳn cho nên nền kinh tế sa sút là thực tế”, TS Hồ phân tích.
 
Theo TS Hồ, nếu phân tích khoa học thì phải nhìn thấy rõ sản phẩm không có (nghĩa là số doanh nghiệp đang hoạt động, tạo công ăn việc làm, sản phẩm cho thị trường chết nhiều), rồi không tiêu thụ được (nguồn cung của thị trường suy giảm) thì lấy gì mà tăng GDP.
 
Trước tình hình khó khăn như vậy thì việc tìm kiếm nguồn thu khác là chuyện mà các doanh nghiệp phải hướng tới là điều tất yếu.
 
TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng: "Với những người kinh doanh, không nên ngần ngại việc nhỏ. Đôi khi những công việc có tính chất nhặt bạc lẻ lại giúp doanh  nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Việc gì có thể giúp duy trì được doanh nghiệp và thu nhập của nhân viên thì đều nên làm.
 
Xét ở khía cạnh cá nhân, nếu làm lãnh đạo doanh nghiệp mà vẫn bán thêm hàng để tăng thu nhập cho bản thân thì cũng thật đáng quý. Càng là sếp thì càng không nên ngại việc nhỏ", ông Kiêm nhận định.
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo