Sếp EVN và những phát ngôn thành thật
Không thể có chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phá sản, EVN sẽ thưởng tết "khiêm tốn", EVN sẽ lấy lợi nhuận để bù tiền mua ô tô, giá điện hiện nay tương đối rẻ... là những phát ngôn thành thật của các lãnh đạo EVN thời gian vừa qua.
Không thể có chuyện Tập đoàn Điện lực phá sản
Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 7/1 vừa qua, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN chia sẻ, đây là lần đầu tiên EVN có thể khẳng định đã hoàn thành sứ mệnh cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội và có phần dư cho dự phòng.
"Tìm đâu ra một doanh nghiệp gánh trên vai hơn 90 triệu dân. Một doanh nghiệp luôn phải thực hiện nhiệm vụ to lớn, khó khăn như vậy. Lỗ cũng phải làm vì nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc gia...", ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, ngành điện trong nước rất khó thu hút vốn từ các nhà đầu tư, hàng nghìn tỉ vốn đầu tư cho công nghệ không ai dám bỏ ra, trong khi đó EVN phải tự gồng gánh cùng đầu tư.
Ông Thanh khẳng định, việc EVN liên tiếp đứng ra đi vay vốn rồi đem cho các đơn vị thành viên vay lại là một việc bắt buộc nhưng hoàn toàn không có chuyện rủi ro.
Theo ông Thanh, hiện tài chính của các doanh nghiệp thành viên đó chưa lành mạnh nên các định chế tài chính không cho vay, buộc EVN phải đứng ra vay rồi cho các tổng công ty này vay lại, nên nợ đó được ghi cho EVN.
“Đó là những đứa con của mình thì mình phải lo. Còn rủi ro thì không có, bởi nói là Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng bản chất chính là Chính phủ Việt Nam. Nếu EVN vỡ nợ thì sẽ thế nào? Các anh chị có thể tìm được trên thế giới xem có tập đoàn điện lực quốc gia nào phá sản không, có tập đoàn điện lực nào được phép vỡ nợ không”, ông Thanh nói.
Sẽ thưởng tết "khiêm tốn"
Cũng theo vị Tổng giám đốc này, năm 2013 vừa qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN đã có những chuyển biến tích cực, trong đó đáng chú ý là khoản lãi 120 tỷ đồng của công ty mẹ EVN. Và đây là năm đầu tiên sau 2 năm, EVN thực hiện việc thưởng tết cho cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, toàn bộ khoản lãi 120 tỷ đồng, sau khi nộp thuế 25%, chuyển cho quỹ đầu tư phát triển 50%, còn lại mới chi cho các quỹ khác, trong đó có khen thưởng, nên khoản thưởng cũng sẽ khá “khiêm tốn”.
“Chúng tôi sống ngày hôm nay còn phải tính cho ngày mai, không thể chi tiêu theo kiểu có đồng nào tiêu đồng đó. Một doanh nghiệp như EVN không thể làm loạn lên được”, ông Thanh nói.
Phát ngôn của Tổng giám đốc EVN - Phạm Lê Thanh được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bày tỏ không hài lòng với việc EVN cho biết, năm 2014, tập đoàn này đặt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1%.
"1% là gì? 1% là không làm được gì cả. Chuẩn mực của thế giới là 7-12%, 7% đã là hết sức khó khăn trong chuyện giao tiếp với ngân hàng rồi", Phó Thủ tướng thẳng thắn cho biết.
Lợi nhuận sau thuế bù tiền mua ô tô
Một trong những kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 10/1 đề cập đến việc Công ty mẹ EVN mua 2 chiếc ô tô Toyota LandCruise vượt định mức quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BTC ngày 14/01/2011 của Bộ Tài chính, số tiền là hơn 3,014 tỷ đồng, đồng thời tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh chung.
Cùng với công ty mẹ, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cũng mua sắm xe công vượt giá quy định 2,2 tỷ khi sắm 6 chiếc Toyota Camry 2.4G cho hoạt động kinh doanh.
Thông tin liên quan đến vụ việc này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết Tập đoàn đã thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính, phần trong định mức sẽ được khấu hao vào chi phí, còn phần vượt sẽ lấy lợi nhuận sau thuế để bù vào.
Trước đó, trả lời báo chí câu hỏi giá thành điện liệu có minh bạch khi Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra chi phí xây biệt thự, sân tennis, bể bơi… cũng được hạch toán vào giá thành điện? Ông Tri cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn để EVN thực hiện.
Trên thực tế, Công ty nhiệt điện Cần Thơ có xây một bể bơi, sân tennis trong khu chuyên gia, mới đưa vào vận hành vào tháng 52013, chưa hạch toán vào giá thành. EVN chỉ đạo nhiệt điện Cần Thơ phải hạch toán từ nguồn quỹ phúc lợi, không được lấy giá thành.
Giá điện tương đối rẻ
Cũng tại cuộc họp báo Thanh tra Chính phủ, ông Đinh Quang Tri cho biết, giá điện của Việt Nam tương đối rẻ do chính sách của Chính phủ và Bộ Công thương tận dụng nguồn thủy điện giá rẻ.
Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo, khống chế giá trần, nếu thiếu điện không được chào với giá cao hơn, Chính phủ cũng chỉ đạo đơn vị nào giá thấp cũng chỉ được bán cho EVN với giá thấp.
Ông Đinh Quang Tri cho biết, EVN không điều khiển được giá thị trường do cung cầu quyết định, do chi phí sản xuất của các nhà máy quyết định.
Ngoài ra, ông Tri cũng thông tin, cơ chế giá điện cho phép khi các thông số đầu vào như giá nguyên liệu tăng, giảm hoặc chênh lệch tỷ giá hoặc cơ cấu sản lượng điện thay đổi thị trường điện nếu thiếu điện giá thị trường lên, điện dự phòng dư thừa giá sẽ hạ.
Ông Tri dẫn chứng, ở Mỹ, khi nhiệt độ xuống -50°C, giá lên 5 USD/kWh. Giữa sống và chết buộc người dân phải bật điện không còn cách nào khác. Thị trường đang thiếu, giá đẩy cao dù gấp 100 lần thì vẫn phải chi trả.
Từ tháng 12/2012 đến nay, giá điện đã tăng 2 lần, mỗi lần thêm 5%. Lần gần nhất giá tăng là 1/8/2013, lên mức bình quân 1.508,85 đồng mỗi kWh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung giá bán lẻ điện đến năm 2015, người tiêu dùng có thể phải trả hơn 2.900 đồng/kWh, thay vì mức cao nhất là 2.420 đồng như hiện nay, mức giá có thể tăng 22% trong 2 năm.
Giá điện rẻ cũng là một trong những lý do thường xuyên mà EVN đưa ra mỗi lần tăng giá điện.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo