Chân dung

Sếp Phú Cường: Trưởng thành từ bệ phóng của một kẻ… đi làm thuê

Trưởng thành từ bệ phóng của một kẻ… đi làm thuê với “lưng vốn” duy nhất là sức khỏe của người lính vừa rời quân ngũ. Rồi, cái nghiệp kinh doanh cũng “lẽo đẽo” bám theo anh từ lúc nào chẳng hay.
Chỉ biết rằng, cái nghiệp đó, nó cũng khác người. Bởi, hầu hết những dự án trong kinh doanh mà anh chọn để “hứng”, khi thì là một công ty tư nhân làm ăn thua lỗ, có lúc lại là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả... Và, sau mỗi lần ngoạn mục “vượt bão” như vậy, người đời lại bảo rằng anh “mát tay”.
 
Tiếng lành đồn xa, anh cười điềm tĩnh: “Tôi có được ngày nay, cũng là bởi biết theo...Đắc nhân tâm”. Anh là doanh nhân Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường.
 
 
Từ phận làm thuê …
 
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng ở xã Thuận Nam, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), cho nên, việc anh tình nguyện xin gia nhập quân ngũ cũng là lẽ đương nhiên thời đó.
 
 
Anh chia sẻ: “Có lẽ, tôi phải cảm ơn cuộc đời, đã cho tôi có cơ hội được “nung mình” trong quân ngũ. Bởi chính những tháng ngày đó, tôi mới gom góp được nghị lực sống cho bản thân, thứ “vốn”, mà tôi luôn trân trọng và canh cánh mang theo bên mình, bất cứ lúc nào, trong mọi hoàn cảnh”. 
 
 
Sau ba năm quân ngũ, anh lính “về vườn” ngày đó đã phải tự bươn chải, mưu sinh bằng nhiều công việc nặng nhọc để vật lộn với cuộc sống đầy khó khăn. Với suy nghĩ: “Từ cái đáy rộng của sự nghèo nàn, từ tận cùng của mọi nỗi khổ, anh sẽ tìm cho mình được lối đi đúng nhất bằng sự trải nghiệm”.
 
 
Hàng ngày, cứ từ sáng cho tới tối mịt, anh đi làm thuê cho các cơ sở mua bán nguyên liệu thủy sản. Công việc vô cùng cực nhọc. Có khi làm chưa hết ca, thấy nơi nào gọi thêm, tranh thủ “nhịn bữa trưa”, anh lại “chạy sô” tiếp.
 
 
Có những lúc, bị chủ la mắng vì ôm đồm công việc, anh chỉ biết nhìn xuống mà nín nhịn. “Thực ra, chủ họ la mình cũng có sai đâu, nên phải biết nuốt xuống cho êm. Nhưng thú thực, khi bị mắng là ôm đồm, là tham lam ngày đó, cũng là cụm từ “tham”, mà sao cái cảm giác bị coi là “tham” ngày đó, nó sướng thế...”. Anh mỉm cười chia sẻ. 
 
 
... Đến ông Chủ tịch “mát tay” 
 
 
Những tháng ngày đi làm thuê cũng đã giúp anh tích góp được lưng vốn ít ỏi, mà theo anh thì, “vốn” ở mọi nghĩa luôn.
 
 
Anh chia sẻ: “Ngày đó, được cái nghèo, nên cũng “láu cá” ( Cười). Khái niệm tư duy kinh doanh với tôi ngày đó sao xa xỉ thế? Chỉ biết là cứ học người ta thôi. Học hỏi mọi thứ trong lĩnh vực thu mua, chế biến thủy sản: Làm thế nào để giữ được chất lượng tôm tốt nhất khi mang đến bán cho nhà máy? Làm sao để cạnh tranh với các đối thủ khác trong hoàn cảnh khó khăn? Làm thế nào để tạo dựng uy tín?.Cứ loay hoay hỏi, rồi lại tự loay hoay đi tìm câu trả lời”.
 
 
Thế rồi, chính bản thân anh ngày ấy, cũng không thể ngờ rằng, cái “lưng vốn” ở mọi nghĩa của anh nó đầy tự lúc nào chẳng hay. Nó lại loay hoay, quay ngược lại, dẫn dắt anh sang con đường mới, và “lẽo đẽo” bám anh suốt nghiệp kinh doanh. 
 
 
Sau nhiều năm bươn trải, năm 1995, Nguyễn Việt Cường đứng ra mua lại một cơ sở làm ăn yếu kém để đầu tư mở rộng thành Xí nghiệp chế biến thủy sản Phú Cường - doanh nghiệp chế biến thủy sản tư nhân đầu tiên của tỉnh Cà Mau - tiền thân của Công ty Phú Cường.
 
 
Dưới sự dẫn dắt của anh, năm 1998, đơn vị trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của nước ta trực tiếp xuất khẩu thủy sản ra nước ngoài. 
 
 
Công ty Phú Cường hoạt động theo hướng đa ngành, đa nghề với các lĩnh vực: nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản; mua bán bất động sản; đầu tư, thi công công trình; dịch vụ vận tải đường bộ; nhập khẩu vật tư, bao bì, hóa chất,…; Song, thủy sản vẫn là ngành chủ lực và tạo nên thương hiệu cho Phú Cường trên thị trường. Đặc biệt là những sản phẩm tôm sú mang nhãn hiệu Tristar của doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và tại Nhật Bản. 
 
 
Và sau năm năm, Phú Cường đã được định hình rõ nét trong giới thủy sản với những kết quả kinh doanh khả quan. Tới năm 2003-2004, bằng việc mua cổ phần chi phối của Công ty cổ phần chế biến thủy sản Minh Hải, doanh nhân Nguyễn Việt Cường trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
 
 
Từ đó tới nay, kinh nghiệm, bản lĩnh đã giúp anh gặt hái thành công liên tiếp, năm 2005, đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy chế biến thủy sản mới mang tên Kiên Cường và Kiên Giang tại Bạc Liêu; năm 2006, mua cổ phần chi phối của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu thủy sản Cà Mau và mua cổ phần Công ty Kisimex Kiên Giang; năm 2007 đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hải sản Hùng Cường tại Vĩnh Long.
 
 
Dự kiến, nếu cả sáu nhà máy chế biến thủy sản này hoạt động sẽ nâng tổng sản lượng sản xuất lên 70.000 tấn/năm, tương đương với doanh số 400 triệu USD và giải quyết được việc làm cho trên 10.000 lao động. Đây có thể nói là những năm tháng tiền đề và là mốc son cho sự phát triển của Phú Cường những năm tiếp sau trở lại đây. 
 
 
Ngoài ra, để phục vụ cho hoạt động chế biến thủy sản, Phú Cường còn đầu tư vào Công ty cổ phần vật tư bao bì Hải Cường, Công ty cổ phần vật tư bao bì Tiến Hải và Công ty nước đá Thịnh Đạt.
 
 
Với chủ trương hoạt động theo hướng đa ngành, doanh nhân Nguyễn Việt Cường đã mua tiếp cổ phần của một công ty du lịch để “tấn công” sang lĩnh vực kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn. Chưa dừng lại, anh thành lập Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Mai Như Phú tại TP. HCM làm đầu mối trung chuyển hàng hóa và thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cho các công ty trong hệ thống. 
 
 
Điều đáng nói ở đây là, hầu hết các doanh nghiệp hay công ty mà anh đầu tư vốn để mua lại đều là những đơn vị đang trong giai đoạn khó khăn nhất. Nhẹ thì là thiếu vốn, mà hơn nữa thì là ngấp nghé bờ...phá sản. Cũng chẳng thế mà, cái tiếng “mát tay” theo đó, người đời cứ gán cho anh. 
 
 
Tâm đắc với ... Đắc nhân tâm 
 
 
Chia sẻ với chúng tôi, vị Chủ tịch cho biết, để có được một thương hiệu ổn định và uy tín cho Phú Cường, cá nhân anh và tập thể người lao động trong Công ty đã phải phấn đấu, nỗ lực không ngừng suốt nhiều năm qua. Bộn bề trong kinh doanh là vậy, vị Chủ tịch vẫn không quên trách nhiệm của mình với cộng đồng. Anh cho đó là một phần trách nhiệm chuyên chở của doanh nghiệp trong cái khó chung của đất nước.
 
 
Anh trầm tư: “Có khổ mới biết thương người khổ, nhất là những người khổ hơn mình. Mình thực sự vui với những chiếc cầu bê tông mới được Phú Cường tài trợ xây dựng. Cũng thực sự nghẹn lại khi được tận tay trao quà cho bệnh nhân nghèo...Điều mà tôi đau đáu lớn nhất, và thấy đáng phải sống hơn hết, đó là làm sao để sống với... đắc nhân tâm...”
 
 
Theo NB&CL
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo