Thị trường

SHB đã có kế hoạch bán một phần nợ xấu cho VAMC

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội vừa đưa ra bản thông tin chi tiết về tình hình hoạt động của ngân hàng này sau một năm sáp nhập (28/8/2012-28/8/2013). Theo báo cáo của SHB, đến 30/6/2013 tỷ lệ nợ xấu của SHB là 9,04%/tổng dư nợ, cao hơn 0,24% so với thời điểm cuối năm 2012. Các chi nhánh, phòng giao dịch của HBB cũ đã kinh doanh có lãi.

Vì sao nợ xấu của SHB vẫn cao?

    
Theo đó, tính đến 30/6/2013 tổng tài sản của SHB đạt 104.524 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 92.632 tỷ đồng, trong đó vốn huy động thị trường I đạt 79.479 tỷ đồng, dư nợ cho vay cá nhân và các tổ chức kinh tế đạt 58.478 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2012, lợi nhuận trước thuế hơn 400 tỷ đồng. Trong những tháng cuối năm, SHB nỗ lực hoàn thành các mục tiêu kinh doanh 2013, đảm bảo lợi nhuận chi trả cổ tức 8%/CP.
 
Trên cơ sở tiềm lực tài chính mạnh sau sáp nhập, SHB đã tham gia tài trợ vốn các dự án trọng điểm quốc gia. Điển hình là việc tài trợ trên 4.100 tỷ đồng cho hai dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ I đoạn qua Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.
 
Cũng theo báo cáo của SHB, đến 30/6/2013 tỷ lệ nợ xấu của SHB là 9,04%/tổng dư nợ, cao hơn 0,24% so với thời điểm cuối năm 2012. Sở dĩ nợ xấu của SHB tăng là do một số khoản cho vay đồng tài trợ của Habubank trước kia với các TCTD khác đến nay quá hạn, do vậy SHB chuyển nhóm nợ xấu theo đúng quy định trên cơ sở của ngân hàng đầu mối. Một số khoản nợ Vinashin chuyển sang nhóm nợ xấu theo đúng quy định phân loại nợ của NHNN.
 
Các DN có nợ xấu (nhóm 4 và nhóm 5 phần lớn chuyển từ HBB sang) của SHB đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, có tài sản đảm bảo là nhà xưởng, bất động sản, máy móc, thiết bị. Các DN này để xảy ra nợ xấu là do khó khăn về tài chính, năng lực quản trị điều hành yếu kém, khó khăn thị trường đầu ra... Đối với các khoản nợ tại Tập đoàn Vinashin và các công ty trực thuộc SHB đã xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, đồng thời đang rà soát, lên phương án xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
 
Như vậy các khoản nợ nhóm 4, nhóm 5 của SHB đều có tài sản đảm bảo và SHB đang quyết liệt xử lý bằng các giải pháp thích hợp nhằm thu được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, tính đến 31/7/2013 SHB đã trích lập dự phòng rủi  ro đầy đủ theo qui định của NHNN với số tiền trích lập dự phòng rủi ro hơn 2.100 tỷ đồng.
 
Phòng giao dịch của HBB cũ đã kinh doanh có lãi
 
Bằng các giải pháp quyết liệt như: tái cấu trúc doanh nghiệp, xử lý tài sản đảm bảo, xem xét miễn giảm lãi suất; cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền nguồn thu của khách hàng… “6 tháng đầu năm SHB đã xử lý thu hồi được 2.926 tỷ đồng nợ xấu. SHB đã có kế hoạch bán một phần nợ xấu cho VAMC và sẽ xem xét sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng bên cạnh các giải pháp xử lý thu hồi nợ quyết liệt nêu trên. Do đó nợ xấu của SHB chắc chắn sẽ giảm xuống thấp hơn 5%/tổng dư nợ đến cuối năm 2013 như kế hoạch đã đề ra” – báo cáo của SHB nhấn mạnh.
 
Một thông tin lạc quan được SHB công bố, các chi nhánh, phòng giao dịch của HBB cũ đã kinh doanh có lãi. Sau sáp nhập 80 đơn vị kinh doanh (trong đó có 19 chi nhánh và 50 phòng giao dịch) của HBB được sáp nhập vào SHB. Tại thời điểm sáp nhập một số chi nhánh, phòng giao dịch tạm ngưng hoạt động do phải tập trung xử lý một số tồn tại. Ngay sau sáp nhập, hoạt động của các đơn vị này đã được SHB rà soát, đánh giá, khắc phục điểm yếu và có cơ chế mới thúc đẩy kinh doanh.
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo