Siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng
Trong thông cáo phát đi cuối ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước khẳng định từ ngày 10/1/2013, sẽ chỉ những địa điểm được cấp phép mới có quyền kinh doanh vàng miếng.
Hiện 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng, với tổng cộng 2.400 điểm giao dịch trên cả nước đủ tiêu chuẩn được cấp phép mới. Trong đó TP.Hồ Chí Minh có 900 điểm và Hà Nội khoảng 400 điểm. Theo nghị định quản lý kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên gánh trách nhiệm cấp phép hoạt động cho các đơn vị mua, bán vàng miếng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước mới siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên trong tương lai, cả vàng trang sức cũng sẽ bị quản lý, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết. Một trong những quy định sẽ được đặt ra là khi mua bán vàng trang sức cũng cần phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, những quy định này đòi hỏi một thời gian để nghiên cứu vì mạng lưới kinh doanh vàng trang sức hiện nay rộng hơn rất nhiều so với vàng miếng.
Trước đây cả nước có khoảng 12.000 địa điểm kinh doanh vàng miếng, bao gồm cả cửa hàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp tư nhân hay công ty cổ phần. Trong khảo sát gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, số lượng này chỉ còn hơn 8.000. Ngân hàng Nhà nước nhận định trong năm vừa rồi, hàng nghìn doanh nghiệp đã tự rút lui khỏi thị trường do nhiều lý do. Trong đó phải kể đến việc buôn bán vàng miếng gặp nhiều khó khăn do thị trường biến động khó lường. Nhu cầu người dân cũng ngày càng giảm và họ ngày càng thận trọng hơn sau những sự cố vàng giả, vàng nhái, vàng cong vênh.
Theo Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ 25/5, những doanh nghiệp tham gia kinh doanh vàng miếng phải đạt đủ các tiêu chuẩn như vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; trên 2 năm kinh nghiệm; tiền thuế từ hoạt động kinh doanh vàng phải đạt ít nhất 500 triệu đồng trong 2 năm năm gần nhất; có mạng lưới bán hàng ở 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận việc xóa sổ 70% điểm giao dịch vàng có thể gây ra nhiều xáo trộn trong những ngày đầu tiên. Sau ngày 10/1/2013, cơ quan này sẽ phải gửi văn bản thông báo đến Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các địa phương để cùng phối hợp đề phòng các sự cố phát sinh.
Cùng với chủ trương xóa sổ các cửa hàng không đạt tiêu chuẩn, Ngân hàng Nhà nước còn lần đầu tiên ấn định trạng thái vàng miếng với các ngân hàng. Theo Thông tư 38 ban hành chiều 28/12, số dư mua bán vàng cuối ngày không được vượt 2% vốn điều lệ, một quy định hạn chế việc găm giữ, mua bán khống của các ngân hàng.
Đây được xem là những biện pháp cứng rắn nhất của cơ quan quản lý nhà nước nhằm can thiệp thị trường vàng bị thả nổi nhiều năm. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu dừng huy động và cho vay bằng vàng, hạn chót để các đơn vị tất toán trạng thái là hết tháng 6/2013. Hoạt động nhập khẩu và dập đúc vàng miếng thuộc độc quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Việt Anh (Theo VnExpress)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
FID báo cáo sai khoản lỗ